Theo phản ánh của tờ Tiền phong, nhiều cây xăng ở Đồng bằng sông Cửu Long tạm ngưng hoạt động gây ra nhiều bức xúc cho dư luận và khó khăn trong công tác quản lý.
Tại Tây Nguyên, có nơi, người dân phải đi hàng chục cây số và phải xếp hàng dài để mua xăng. Đại diện các cửa hàng xăng dầu nêu lý do đóng cửa là do hết xăng, nguồn cung không kịp thời hoặc lỗ vốn.
Dù tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại một số cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng vì đây là mặt hàng dự trữ chiến lược có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, vì thế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, trong cuộc họp với Bộ Công Thương và các địa phương nhằm tìm giải pháp điều hành thị trường xăng dầu đã chỉ đạo Bộ Công Thương phải quản lý, điều hành xăng dầu một cách chặt chẽ, khoa học" để bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng, không thể để xảy ra tình trạng "đứt gãy" bởi bất cứ lý do nào.
Tờ Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; Thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi; bảo đảm cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu, có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, bảo đảm chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
Một cửa hàng xăng, dầu ở TP Sóc Trăng đóng cửa (Ảnh: Dân trí).
Tại buổi họp khẩn giữa Bộ Công Thương với các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong tuần này, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng đều thừa nhận chuyện các cây xăng kêu hết hàng.
Truy đến cùng việc kêu thiếu xăng dầu
Tờ Thanh niên phân tích, lý do chính khiến nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương trong thời gian qua xảy ra khan hàng, đóng cửa, thiếu cục bộ do giá xăng dầu thế giới đang tăng mạnh, trong khi giá trong nước đến nay lại chưa được điều chỉnh.
Lãnh đạo một tập đoàn lớn ở phía bắc thì nói thẳng rằng trước kia các đại lý được mua nhiều đầu mối, nhiều thương nhân, tuy nhiên do giá lên cao nên các đầu mối chỉ cấp theo đúng số lượng hợp đồng ký trước nên hàng bán ra ít hơn là có thật.
Trước đây Việt Nam nhập khẩu 100% cũng không thiếu xăng dầu, giờ đây trong nước đã tự chủ 70% thì càng không có lý gì để thiếu hàng?
Tổng nguồn xăng dầu không hề thiếu nhưng xảy ra hiện tượng găm hàng. Cho nên quan trọng là phải rất rõ ràng, làm rõ đứt ở đâu, khan ở đâu. Ở đầu mối hay thương nhân phân phối, rồi cuối cùng là đại lý, cửa hàng. Vấn đề này đã được mổ xẻ thấu đáo tại cuộc họp khẩn do Bộ Công Thương tổ chức.
Tình trạng găm hàng xăng dầu chờ tăng giá: Bộ Công Thương nói có, địa phương nói không
Nhiều tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Bên cạnh những tác động khách quan thì không thể phủ nhận có hiện tượng găm hàng để trục lợi cả ở thương nhân phân phối, thương nhân đầu mối và của hàng bán lẻ.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ lập đoàn thanh tra tiến hành "Tổng rà soát, rút giấy phép nếu găm hàng", thậm chí phạt kịch khung theo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. (Tờ Tuổi trẻ thông tin).
Sau cuộc họp khẩn với thông điệp "truy đến cùng việc kêu thiếu xăng dầu" hiện tượng này có gì chuyển biến?
Một số cửa hàng tạm ngừng bán xăng đã mở cửa trở lại. Mổ xẻ vấn đề, việc các cửa hàng tạm ngừng bán chỉ nhằm găm hàng, chờ điều chỉnh giá để kiếm thêm chút ít. Nhưng việc treo biển hết xăng lần này diễn ra trong bối cảnh khác, đó là nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong khi giá xăng dầu thế giới tăng nhanh, nhưng giá trong nước lại chậm điều chỉnh đã khiến thị trường xăng dầu thêm "nóng".
Giá xăng tăng mạnh
Hiện tại, 3 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất, Bình Sơn đang đáp ứng 75% nhu cầu thị trường. Xăng dầu nhập khẩu hiện chỉ chiếm 25%. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng đã chỉ đạo Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) tăng công suất tối đa pha chế từ nguồn, đồng thời xây dựng kế hoạch nhập khẩu xăng dầu; chỉ đạo nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất vận hành công suất tối đa có thể và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tăng dần sản lượng. Như vậy, tình hình đã tạm được giải quyết.
Giá xăng dầu đã được Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh tăng từ cuối tuần này. Cụ thể, giá xăng E5RON92 đã lên mức 25.320 đồng/lít (tăng trung bình 1.000 đồng/lít). Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 660 - 960 đồng/lít.
Như vậy, giá xăng dầu tiếp tục thiết lập kỳ điều chỉnh tăng lần thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá thế giới tăng.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là câu chuyện ổn định thị trường xăng dầu, giữ vững an ninh năng lượng thì không chỉ tập trung giải quyết nguồn cung, mà trước mắt cần phải chấn chỉnh ngay khâu lưu thông phân phối.
Treo biển hết xăng, chuyện không nhỏ
Xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, không phải ai cũng có thể nhảy vào làm nhà phân phối, quyền lợi đi kèm trách nhiệm. Trách nhiệm đó là phải đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường, không thể lời thì bán, khó khăn thì né. Vì vậy, nhân tình trạng treo biển hết xăng, cũng cần thanh lọc lại hệ thống các nhà phân phối (Báo Tuổi trẻ bình luận).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.70112720131202202-oan-cum-ned-meih-nahk-auc-gnod-hnit-ueihn-o-uad-gnax-gnah-auc/et-hnik/nv.vtv