Giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng liên tục và đã vọt lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Giá xăng dầu trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng này. Do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của các hoạt động sản xuất kinh doanh, cho nên, việc giá xăng tăng cũng gây áp lực tăng giá cho nhiều mặt hàng.
Doanh nghiệp vận tải lao đao
Tối 12.2, anh Nguyễn Văn Vượng bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) về thành phố Yên Bái. Với lộ trình này, bình thường, anh đi hết 120.000 đồng (ghế ngồi), nhưng nay giá cước tăng lên 200.000 đồng.
Khi hỏi tại sao giá cước tăng cao như vậy, anh Vượng được nhà xe giải thích do giá xăng dầu phi mã. Trong đó, xăng E5 RON 92 là 24.570 đồng/lít, xăng RON 95 là 25.320 đồng/lít (lên mức cao nhất từ tháng 8.2014), còn dầu diesel là 19.860 đồng/lít, nên nhà xe buộc phải tăng giá cước để bù lỗ.
"Tôi thấy bất ngờ vì nhà xe không thông báo trước cho khách hàng. Nhưng cũng thông cảm với họ vì thời điểm này, giá xăng dầu tăng quá cao, trong khi lượng khách đi rất ít, mỗi chuyến lác đác vài ba khách" - anh Vượng cho hay.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi, nhân viên văn phòng) mua chiếc Toyota Vios đời 2020 để đi làm, với lộ trình từ phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) đến đường Xã Đàn (phường Phương Liên, quận Đống Đa).
Xe của anh có dung tích 42 lít, cần đổ 1.063.000 đồng để đầy bình. So với năm ngoái, anh Tuấn phải chi thêm gần 380.000 đồng. Thậm chí, nếu so với thời điểm 15 ngày sau kỳ điều chỉnh ngày 28.4.2020, con số này tăng thêm gần 500.000 đồng (tương đương tăng 46%).
"Giá xăng tăng cao quá, tôi đã chuyển từ đi ôtô sang đi xe máy, để tiết kiệm chi phí. Tôi không còn "lực" để nuôi một chiếc ôtô thời điểm này, bởi rất nhiều chi phí phải bỏ ra. Trong đó, tiền xăng xe hơn 1 triệu đồng/tuần, chưa kể chi phí sửa chữa, bảo dưỡng xe, tiền gửi xe ôtô ở nhà và tại cơ quan mỗi tháng hết gần 3 triệu đồng", anh Tuấn than thở.
Giá xăng dầu tăng sốc đã và đang tác động đến hầu hết nhóm ngành sản xuất. Các doanh nghiệp vận tải với xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí bị ảnh hưởng trước, với áp lực tăng giá cước.
Nói với Lao Động, ông Bùi Văn Hùng - chủ một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Hà Giang - cho biết, từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, xăng dầu tiếp tục tăng giá, là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng dầu phi mã. Công ty sẽ phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới.
"Xe của tôi chạy dầu, mỗi một lượt chạy cả chiều đi và chiều về mất 200 lít, tương đương 3,7 triệu đồng. Nhưng mỗi lần chạy, chỉ lác đác vài khách, nhiều nhất là 15 khách một ngày. Trong khi, nhà xe vẫn phải chi trả tiền lương cho 2 lái xe và 2 phụ xe; cùng với việc phải bỏ tiền duy trì phí test nhanh COVID-19 cho nhân viên của mình.
Theo ông Hùng, doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán điều chỉnh giá cước theo hướng tăng khoảng 10-20% để cân đối doanh thu. Tuy vậy, doanh nghiệp đang ở thế khó vì không dễ gì khách hàng chấp nhận tăng giá trong bối cảnh “mỗi thứ đều tăng một ít” như vậy.
Ông Bùi Ngọc Quang - Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát (doanh nghiệp có 15 xe chạy tuyến Bắc - Nam) cũng chia sẻ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, tỉ lệ này tăng lên khoảng 50% với giá thành vận tải.
“Sau một thời gian dài ngừng hoạt động vì giãn cách, nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu thích ứng trở lại, tìm cách để phục hồi. Trong một thời gian ngắn, giá xăng dầu tăng cao liên tiếp, bây giờ đang ở mức cao nhất 8 năm. Hơn thế lại trong giai đoạn doanh nghiệp đang vật vã sau đại dịch, khó chồng khó”, ông Quang nói.
Giá xăng dầu gây áp lực lạm phát
Việc giá dầu xăng tăng cao gây khó khăn không nhỏ cho giai đoạn phục hồi kinh tế bởi đây là mặt hàng đầu vào.
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1.2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới.
Giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 11.2.2022 chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó theo Cục Quản lý giá, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
"Ngoài ra, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt", Cục Quản lý giá nhận định.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Xem thêm: odl.5183101-auq-man-8-gnort-tahn-oac-gnax-aig-iv-yam-ex-id-ot-o-ob-iod-gnoux/et-hnik/nv.gnodoal