Mới đây, nguồn tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết cơ quan điều tra đang xác minh, điều tra, xử lý đối với hàng chục doanh nghiệp (DN) phải bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại nhưng không thực hiện nộp tiền bồi thường.
Rừng tại nhiều dự án bị triệt hạ hàng loạt
Năm 2009, tỉnh Lâm Đồng cho Công ty TNHH Thành Văn (trụ sở ở Lâm Đồng) thuê 13,23 ha đất (trong đó 13,06 ha đất lâm nghiệp có rừng) tại tiểu khu 116, 118 (xã Đạ Sar, H.Lạc Dương) để thực hiện dự án đầu tư trang trại trồng cây và hoa trang trí, rau mầm, rau non kết hợp nuôi ngỗng xuất khẩu, heo cỏ, gà tre, cá hồi, cá tầm. Hợp đồng thuê đất ghi rõ, công ty phải chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên rừng gắn với diện tích được giao.
Rừng thuộc dự án của Công ty TNHH Thành Văn (H.Lạc Dương) bị phá năm 2011 GIA BÌNH |
Thế nhưng, từ đầu năm 2011, PV Thanh Niên đến tiểu khu 118 nhìn thấy hàng chục cây thông bị triệt hạ nằm ngổn ngang, có những cây gốc còn ứa nhựa và cả một vạt thông với hàng trăm cây ở đây bị chết đứng giữa rừng (do bị ken gốc, khoan lỗ đổ thuốc độc).
Sau đó, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty TNHH Thành Văn bồi thường hơn 480 triệu đồng, song công ty này dây dưa chưa nộp. Ngày 30.8.2012, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất đã cho công ty này thuê do không triển khai dự án, không đưa đất vào sử dụng, để rừng bị phá và không chấp hành nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại. Đáng nói, từ đó đến nay đã 11 năm, công ty này cũng chưa nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng.
Tương tự, dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt tại xã Hiệp An (H.Đức Trọng) của Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt (gọi tắt Công ty Hàn Việt) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 17 triệu USD; thực hiện trên diện tích 268 ha đất rừng, gồm có khoảng 216 ha đất lâm nghiệp có rừng và gần 52 ha đất lâm nghiệp không có rừng. Quy mô dự án đề ra rất hoành tráng: sẽ xây dựng sân golf 36 lỗ, hệ thống khu biệt thự, nhà nghỉ cao cấp, nhà hàng, khách sạn cùng các công trình khác...
Thế nhưng, mãi 13 năm sau, Công ty Hàn Việt mới hoàn thành các thủ tục như: thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch tổng thể mặt bằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, giấy phép khai thác lâm sản (thực tế đã khai thác), xây một nhà văn phòng… Hệ quả, rừng tại dự án của công ty đã bị phá gần 49 ha, bị lấn chiếm đất hơn 31 ha (theo Kết luận thanh tra số 2094 ngày 13.4.2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng).
UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty Hàn Việt đóng hơn 2,4 tỉ đồng tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại (theo 2 văn bản tháng 5 và tháng 10.2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng) nhưng công ty chưa nộp. Tiếp đến, ngày 13.11.2020, Sở Tài chính Lâm Đồng có văn bản đề nghị Công ty Hàn Việt nộp hơn 10,9 tỉ đồng tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng đối với diện tích rừng bị mất tại dự án, nhưng cũng chưa nộp. Đến tháng 1.2021, dự án bị tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh thu hút 488 dự án của 473 DN có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, và đã thu hồi 208 dự án/30.469 ha (gồm 172 dự án thu hồi toàn bộ với 26.226 ha và 36 dự án thu hồi một phần với 4.242 ha). Nguyên nhân thu hồi do không triển khai thực hiện dự án hoặc chậm tiến độ; không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý và bảo vệ rừng trên diện tích được thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn; DN tự nguyện trả lại dự án.
Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi đất dự án Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý, thì rừng thông ở đây vẫn tiếp tục bị phá vào tháng 12.2021 gia bình |
Có trách nhiệm của chủ tịch tỉnh qua các thời kỳ
Tại Kết luận số 929/KL-TTCP ngày 12.6.2020 của Thanh tra Chính phủ (KLTTCP), trên địa bàn Lâm Đồng có 82 DN phải thực hiện nghĩa vụ đền bù, bồi thường với tổng số tiền hơn 253 tỉ đồng; trong đó 22 DN đền bù giá trị lâm sản trên 49,5 tỉ đồng, 60 DN bồi thường giá trị tài nguyên rừng do để mất rừng với số tiền hơn 203,4 tỉ đồng (trong đó, giá trị lâm sản trên 57,1 tỉ đồng và giá trị môi trường hơn 146,2 tỉ đồng).
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, đến nay đã có 38 DN nộp hơn 37 tỉ đồng (trong đó nộp trước khi có KLTTCP hơn 11 tỉ đồng) và 3 DN giảm trừ hơn 29,8 tỉ đồng; còn lại hàng chục DN khác chưa nộp. KLTTCP nêu rõ, trách nhiệm chính của việc này thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở NN-PTNT và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
“Riêng các trường hợp không nộp tiền bồi thường thiệt hại về lâm sản và môi trường rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu các chủ dự án khẩn trương nộp tiền về ngân sách, trường hợp cố tình không nộp thì thu hồi lại dự án và chuyển cơ quan điều tra xác minh, xử lý theo quy định”, TTCP kiến nghị.
Thực hiện Kết luận 929/KL-TTCP, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản thống nhất đề nghị Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận hồ sơ đối với 37 DN không chấp hành nộp hơn 178,6 tỉ đồng tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại thuộc dự án đầu tư, để điều tra xử lý theo quy định. Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho hay, đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu của 37 DN này cho Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Lâm Đồng, để điều tra làm rõ.
Theo thông tin PV Thanh Niên có được, 37 DN bị điều tra đã để mất tổng cộng hơn 800 ha rừng. Trong số 37 DN này có 26 DN (với số tiền bồi thường hơn 74 tỉ đồng) đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi toàn bộ dự án, không còn hoạt động tại Lâm Đồng.
Danh sách 37 doanh nghiệp bị điều tra
Tại TP.Đà Lạt có Công ty TNHH Xuân Minh, DNTN Tuấn Mỹ, Công ty CP Đại Cảnh Viên, Công ty TNHH Chuông Vàng.
Tại H.Lạc Dương có Công ty TNHH Thành Văn, Công ty TNHH Việt Long, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Võ Hà Lê, Công ty TNHH Tài Tín, Công ty TNHH Ngọc Mai Trang, Công ty TNHH Thành Kim Phát, Công ty CP đầu tư Rừng Xanh Mãi.
Tại H.Đức Trọng có Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - bất động sản Di Đức 3, DNTN vườn rừng Nguyễn Thành Lợi, Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt, Công ty TNHH sản xuất - thương mại - xuất nhập khẩu Trần Vỹ, Công ty TNHH Tân Tín Đức, Công ty TNHH Vĩnh Tuyên Lâm, Công ty TNHH Thiên Phúc, Công ty TNHH Kim Tài Phát, Công ty TNHH Đồng Nai - Long Châu, Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Hoàn Mỹ, Công ty CP đầu tư và xây dựng Hồng Lĩnh, Công ty TNHH Hoàn Ảnh.
Tại H.Bảo Lâm có DNTN Anh Hải, Công ty CP Nam Nam, Công ty TNHH An Nguyễn, Công ty TNHH kỹ thuật nhựa Khang Thịnh, Công ty TNHH Phát Lâm, Công ty TNHH Hùng Lộc Tiến, Công ty TNHH Quốc Vinh, Công ty TNHH Sơn Phú Nông, Công ty TNHH đầu tư - xây dựng - thương mại
Hà Tiến, Công ty TNHH phát triển Nguyễn Gia.
Tại H.Đam Rông có Công ty TNHH Đại Nguyên, DNTN Phương Huyền.
Tại H.Đạ Tẻh có Công ty TNHH Bảy Chín, Công ty TNHH sản xuất - thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Thịnh.