Từ đầu năm sau (1-1-2023), toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà lâu nay người dân vẫn sử dụng cho đủ loại giao dịch sẽ không còn có giá trị nữa. Tương ứng cách thức đăng ký thường trú, tạm trú… đang được thay đổi nhanh gọn hơn bằng việc các cơ quan công an cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về cư trú.
Với quy định này của Luật Cư trú 2020, nhiều người chắc chắn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết thời gây phiền nhiễu cho dân tình. Tuy nhiên, phải làm sao để xác nhận về việc cư trú của mình khi không có các sổ đó thì không phải ai nấy đều hiểu đúng và làm đúng.
Theo đó, có hai việc cần được Bộ Công an theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng thực hiện đúng để Luật Cư trú, Luật CCCD 2014 thật sự được thi hành. Gồm có: 1. CCCD đích thực là sự xác nhận việc cư trú nên người dân không phải bận lòng với xác nhận nào khác về việc này khi không thực sự cần thiết; 2. Thời hạn cấp văn bản xác nhận việc cư trú theo yêu cầu là trong ngày chứ không nên dài hơn.
Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là xu hướng tiến bộ, tiện lợi của "thời đại số hóa".
Cần lưu ý là thông tin về việc cư trú của mỗi người đang không chỉ có ở trong mỗi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Đầu năm 2016, khi Luật CCCD có hiệu lực thi hành, thông tin cư trú của người dân đã được ghi nhận, cập nhật thay đổi đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông qua CCCD, các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng biết được các thông tin cư trú của công dân. Nếu trước đây thông tin này chỉ có nơi thường trú, nơi ở hiện tại thì nay còn có nơi tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng.
Đây là lý do mà khoản 3 Điều 20 Luật CCCD quy định rất rõ: “Khi công dân xuất trình CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận thông tin cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Như vậy, khi đến thời điểm cơ quan công an đồng loạt bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và ngay cả lúc này, người dân chỉ cần dùng CCCD chứng nhận thông tin cư trú là đủ.
Trong trường hợp người dân cần có giấy xác nhận thông tin về cư trú để dùng cho những công việc đặc biệt nào đó, người dân mới phải yêu cầu các cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy xác nhận. Đó sẽ là văn bản điện tử có chữ ký số hoặc là văn bản có chữ ký, đóng dấu của thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú tùy theo yêu cầu. Nội dung của giấy xác nhận gồm có thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Nơi gửi yêu cầu là cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Ngoài ra, người dân có thể đến trực tiếp cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước (không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình) để đề nghị cấp giấy xác nhận.
Thêm một nội dung khác có liên quan đến giấy xác nhận nêu trên. Theo Thông tư 55/2021 của Bộ Công an thì thời hạn để các cơ quan đăng ký cư trú cấp giấy xác nhận là ba ngày làm việc. Thời hạn này e là không hợp lý khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD đã chính thức hoạt động vào giữa năm trước và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan có thẩm quyền đã thuận lợi hơn.
Tóm lại, với sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà đi theo đó là cách quản lý thủ công, lỗi thời thì CCCD và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính là sự thay thế hợp thời từ việc chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin. Các cách hiểu hay những đòi hỏi khác về việc cư trú đi ngược lại những quy định tiến bộ như đã nêu cần được xóa bỏ, xử phạt (nếu có) để phát huy được tính đa năng của CCCD và cơ sở dữ liệu nói trên.