Theo hãng tin Reuters, giá dầu phiên 14/2 đã tăng mạnh lên mức cao nhất hơn 7 năm qua do lo ngại xung đột Nga-Ukraine leo thang sẽ thúc đẩy các lệnh cấm vận từ Phương Tây chặt hơn nữa khiến ngành xuất khẩu dầu chịu ảnh hưởng.
Giá dầu Brent trên thị trường kỳ hạn đã tăng 1,4% lên mức 95,73 USD trong khi giá dầu WTI tăng 1,6% lên mức 94,59 USD.
Hãng tin Reuters cho biết phía Mỹ từng cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào và nếu điều này xảy ra, Phương Tây nhiều khả năng sẽ siết chặt các lệnh cấm vận với Nga, qua đó ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Điện Kremlin.
"Nếu điều này xảy ra thì giá dầu Brent có thể dễ dàng vượt mức 100 USD/thùng", chuyên gia phân tích Edward Moya của hãng OANDA nhận định.
Đồng quan điểm, hãng JP Morgan Chase nhận định giá dầu thậm chí có thể lên đến 120 USD/thùng nếu căng thẳng hiện nay tiếp tục leo thang. Tồi tệ hơn, xung đột này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, từ tỷ lệ lạm phát đến các chính sách lãi suất, kích thích kinh tế hậu đại dịch.
Theo JP Morgan, nếu sản lượng xuất khẩu dầu của Nga giảm 50% vì các lệnh cấm vận khi xung đột leo thang thì giá dầu Brent có thể lên đến 150 USD/thùng, vượt mức kỷ lục 147,5 USD/thùng năm 2008 và trở thành ngưỡng cao nhất trong lịch sử.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng đang bị thu hút về cuộc đàm phán giữ Mỹ và Iran nhằm khởi động lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên phía Iran cho biết tiến trình này đang ngày càng khó khăn do những bất đồng quan điểm từ cả 2 bên.
Tại Mỹ, giá dầu tăng mạnh đã thúc đẩy các mỏ khai thác hoạt động trở lại. Số liệu của hãng Baker Hughes cho thấy số dàn khoan dầu thêm mới trong tuần trước ở mức cao nhất trong 4 năm qua.
Vì sao giá dầu tăng cao?
Nga hiện được coi là nước khai thác dầu khí lớn thứ 2 thế giới đứng sau Mỹ, bởi vậy nếu xung đột xảy ra và Phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận khiến xuất khẩu dầu của Nga chịu ảnh hưởng, chắc chắn giá dầu thế giới sẽ biến động mạnh. Không dừng lại ở đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn có thể sử dụng loại nguyên liệu này như một vũ khí để trả đũa Phương Tây.
Mỗi ngày, Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu và chiếm 1/10 số lượng dầu thô được sử dụng trên toàn thế giới hàng ngày.
Giá dầu Brent thế giới trong 25 năm qua (USD/thùng)
Hiện Nga cũng đang là nhà cung cấp khí đốt chủ lực của Châu Âu khi nhiều nhà máy lẫn trạm điện tại đây sử dụng khí đốt làm nguyên liệu. Vô số hộ gia đình tại Châu Âu cũng phụ thuộc vào các đường ống khí đốt của Nga để sưởi ấm trong mùa đông. Việc nguồn cung khí đốt bị gián đoạn sẽ khiến nhiều nhà máy chuyển sang dùng xăng dầu chạy điện, qua đó càng khiến giá dầu tăng mạnh.
Đứng trước tình hình căng thẳng, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu trong kho dự trữ chiến lược quốc gia nhưng con số này là quá ít ỏi và chẳng hạ nhiệt nổi thị trường dầu mỏ.
Với Mỹ, việc siết chặt lệnh cấm vận chẳng ảnh hưởng nhiều khi họ chỉ nhập khẩu khoảng 700.000 thùng dầu/ngày từ Nga. Thế nhưng các chuyến hàng chở dầu quá cảnh qua Ukraine đến Châu Âu sẽ bị gián đoạn khi cơ sở hạ tầng bị tàn phá bởi chiến tranh và hiện chưa có nước xuất khẩu dầu nào đủ sức cáng được gánh nặng này thay Nga.
Trên thực tế, tờ New York Times nhận định đại dịch đã khiến các mỏ dầu đóng cửa khi nhu cầu giảm mạnh. Thế nhưng khi các nước mở cửa trở lại sau đại dịch, nhiều công ty khai thác không kịp tăng sản lượng trở lại để bắt kịp nhu cầu khiến giá dầu tăng mạnh.
Tiếp đó, nhiều hãng khai thác cũng cho biết họ không muốn tăng sản lượng quá nhanh để tránh lặp lại sai lầm năm 2021 khi giá dầu tăng cao để rồi trượt dốc mạnh.
Thế giới có thể làm gì
Tờ New York Times nhận định các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu hay thậm chí là Trung Quốc có thể giải phóng kho dầu dự trữ nhằm hạ nhiệt thị trường nhưng chúng chỉ giúp ích được trong thời gian ngắn hạn. Nếu Nga cắt giảm sản lượng vài tháng hay vài năm thì đây sẽ là cuộc khủng hoảng toàn diện hậu đại dịch với nền kinh tế thế giới.
Mặc dù Mỹ đã hối thúc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng nhưng các thành viên chẳng nguyện ý khi giá dầu càng cao thì họ càng có lợi. Đó là chưa kể nhiều nước khó lòng tăng sản lượng ngay lập tức được vì cơ sở hạ tầng khai thác quá cũ kỹ.
Trên thực tế, OPEC và Nga đã ký thỏa thuận đồng ý giữ nguyên kế hoạch khai thác vào tháng tới, qua đó chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày và điều này có thể khiến giá dầu tiếp tục tăng mạnh tùy thuộc vào ý muốn của Điện Kremlin.
Xin được nhắc rằng với việc hàng loạt quốc gia mở cửa trở lại sau đại dịch, nhu cầu đi lại, vận chuyển, sản xuất kinh doanh cũng quay trở lại khiến mọi người dùng nhiều xăng dầu hơn. Bởi vậy giá dầu tăng cao có thể khiến lạm phát bùng nổ, tác động xấu đến nền kinh tế vốn đã yếu ớt sau 2 năm chống dịch Covid-19.
*Nguồn: Reuters, CNN, NYT
http://tintuc.vdong.vn/02/1228120.htmHuyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị