Vườn thú Paignton hiện là nơi lưu trú của nhiều động vật bị đe dọa tuyệt chủng như con khỉ mặt chó trong ảnh - Ảnh: Paignton Zoo
Theo Đài BBC, vườn thú Paignton ở Devon (Anh) mới đây đã bắt tay cùng Nature's Safe, một tổ chức ngân hàng sinh học dành cho động vật, để lưu lại các mẫu ADN của chúng.
Nature's Safe hiện cũng hợp tác với một số tổ chức khác như vườn thú Chester, Đại học Oxford để bảo tồn các loài động vật.
Họ sẽ dùng công nghệ đông lạnh cryogenic để lưu trữ các mẫu mô và tế bào của động vật ở nhiệt độ dưới -135 độ C. Mục tiêu là lưu trữ càng nhiều càng tốt các mẫu ADN của khoảng 40.000 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Hiện Nature's Safe đã lưu mẫu của khoảng 80 loài, như khỉ Tamarin, hươu chuột, chim cánh cụt Humboldt...
"Những thách thức trong việc bảo tồn các loài khiến chúng ta phải sáng tạo và tính trước mọi chuyện. Trong khi chúng tôi tiếp tục nỗ lực trong việc bảo tồn và nhân giống ở điều kiện nuôi nhốt, việc hợp tác với Nature's Safe cho chúng tôi cơ hội thú vị để phát triển công cụ nhằm ngăn sự suy giảm các loài", ông Kirsten Pullen, người phụ trách khoa học tại công ty điều hành vườn thú Paignton, nói.
Nhưng liệu việc lưu giữ ADN của chúng có phải là giải pháp? Nhà sáng lập Tullis Matson của Nature's Safe xác nhận điều này.
"Về lý thuyết, trong nhiều năm tới, chúng ta có thể biến mẫu da đó thành tinh trùng và trứng, một điều hiện còn khá khó tin. Nhưng khoa học đang phát triển với tốc độ như vậy, nếu không đông lạnh nó ngay bây giờ, chúng ta sẽ mất những loài đó mãi mãi", ông Matson giải thích trên Đài Sky News.
"Chúng ta có thể làm cho những mẫu ADN này sống lại sau 10, 20, 30, 1.000 năm nữa và hy vọng có thể ngăn chặn quá trình tuyệt chủng, làm chậm lại sự tổn thất tính đa dạng của hành tinh", ông Matson giải thích thêm.
Trước đó, vườn thú San Diego ở Mỹ cũng thực hiện dự án tương tự có tên Frozen zoo (Vườn thú đông lạnh), thu thập mẫu ADN động vật từ những năm 1972. Vườn thú này hiện có bộ sưu tập mẫu ADN động vật lớn nhất thế giới, khoảng 10.000 mẫu.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, khoảng 1 triệu loài động vật và cây cối sẽ biến mất trên Trái đất trong vài thập kỷ tới.
Cá tequila, tên khoa học là zoogoneticus tequila, là loài động vật đặc hữu ở bang Jalisco thuộc miền Tây Mexico. Hồi năm 2003, loài cá này được xem là đã bị tuyệt chủng trong tự nhiên.
Xem thêm: mth.293801141202202-yan-uas-hnis-iat-ioh-oc-ohc-meih-yuq-tav-gnod-nda-not-oab/nv.ertiout