Bill Gray, chuyên gia sáng tạo phần mềm theo dõi vật thể gần Trái Đất cách đây ít lâu đã dự đoán rằng, tầng tên lửa thứ 2 nặng 4 tấn của Falcon 9 - sản phẩm được sản xuất bởi công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk nhiều khả năng sẽ đâm vào vùng tối của Mặt Trăng gần xích đạo vào ngày 4/3/2022 ở tốc độ khoảng 9.173 km/h.
Tầng tên lửa này tính đến nay đã trải qua khoảng 7 năm trôi nổi trong không gian sau khi được phóng từ Cape Canaveral, Mỹ vào tháng 2/2015, trong nhiệm vụ triển khai vệ tinh Đài quan sát khí hậu không gian sâu (DSCOVR) của Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).
Mảnh vỡ được cho là của tên lửa Falcon 9 được quan sát từ Trái Đất.
Tuy nhiên, mới đây, nhà thiên văn học này lại lên tiếng đính chính rằng, vật thể sắp đâm vào vùng tối của Mặt Trăng là mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 3C thay vì Falcon 9 như thông báo trước đó.
Ông cho biết, bản thân đã có chút nhầm lẫn trong quá trình nhận dạng vật thể sắp đâm vào Mặt Trăng. Thực tế, mảnh vỡ này có thể thuộc tên lửa Trường Chinh 3C vốn được phóng từ nhiệm vụ Hằng Nga 5 T1 vào tháng 10/2014. Con tàu chính là phiên bản tiền nhiệm của tàu Hằng Nga 5 thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu vật Mặt Trăng hồi năm 2020.
Tuyên bố trên của Gray được đưa ra sau khi ông nhận được thư của Jon Giorgini, kỹ sư ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA. Ông Giorgini giải thích đường bay của tàu DSCOVR không quá gần Mặt Trăng, do vậy, khả năng đâm vào Mặt Trăng có vẻ hơi kỳ lạ.
Gray ngay sau đó đã tìm kiếm thông tin về vật thể phóng trước tháng 3/2015 ở quỹ đạo cao ngang qua Mặt Trăng - vị trí mà rất ít tàu vũ trụ đạt được. Cuối cùng, ông rút ra kết luận vật thể sắp đâm vào vùng tối của Mặt Trăng là mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 3C dựa trên những bằng chứng về quỹ đạo.
Tên lửa Trường Chinh 3C được phóng trong nhiệm vụ Hằng Nga 5 T1 vào tháng 10/2014.
Đính kèm trong tuyên bố cuối cùng, lý do gây nhầm lẫn trong quá trình nhận dạng của Gray cũng được tiết lộ. Vị chuyên gia này cho biết trước đó đã sử dụng dữ liệu từ dự án Catalina Sky Survey chuyên theo dõi vật thể gần Trái Đất và phát hiện ra 1 vật thể mang số hiệu WE0913A trong khoảng thời gian 1 tháng sau khi phóng DSCOVR.
Sau khi trao đổi với các nhà nghiên cứu khác, Gray phát hiện WE0913A bay qua Mặt Trăng 2 ngày sau buổi phóng DSCOVR. Họ cùng xác định đó là tầng thứ 2 của tên lửa Falcon 9 do vật thể có độ sáng, xuất hiện và di chuyển theo thời gian và quỹ đạo phù hợp.
"Những vật thể cỡ này hoặc lớn hơn thường xuyên đâm vào Mặt Trăng với tốc độ lớn hơn đáng kể. Đây là vật thể nặng 4 tấn đâm xuống với tốc độ 2,58 km/s. Tốc độ 10 - 20 km/s rất phổ biến với các tiểu hành tinh va chạm với Mặt Trăng’’, Gray trước đó nhận định.
Theo: Space
http://tintuc.vdong.vn/02/1228524.htmHuệ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị