Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko dường đã nêu khả năng Kiev có thể từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột lớn với Nga, đồng thời thừa nhận rằng đề xuất như vậy sẽ đi ngược lại hiến pháp của nước mình.
Theo đài RT, khi được người dẫn chương trình trực tiếp Stephen Nolan của kênh BBC Radio 5 hỏi hôm 13-2 rằng liệu Ukraine có thể “dự tính không gia nhập NATO” để ngăn chặn chiến tranh hay không, ông Prystaiko đã trả lời: “Chúng tôi có thể, như bạn biết đấy, đặc biệt khi đã bị đe dọa như vậy, bị uy hiếp như vậy, và bị đẩy đến điều đó”.
Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko. Ảnh: UNIAN
Sau đó, ông Prystaiko dường như ngụ ý rằng một số đại diện của khối quân sự (NATO) cũng đã ủng hộ lựa chọn đó. “Bạn biết đấy, đôi khi chúng tôi sẽ nghe thấy tiếng nói từ NATO rằng ‘Các bạn, có thể, thực sự, chúng ta sẽ tránh được…’” đại sứ Ukraine nói, ngắt quãng giữa chừng.
Tuy nhiên, ông Prystaiko sau đó tiếp tục than thở rằng Ukraine hiện không thuộc bất kỳ liên minh quân sự nào, không giống như một số quốc gia khác có chung biên giới với Nga. Ông lưu ý rằng Kiev sẽ phải tự mình gánh trách nhiệm nếu một cuộc khủng hoảng như hiện nay bùng phát thành một cuộc xung đột quân sự.
“Chúng tôi sẽ lại không được bảo vệ bởi bất kỳ ai, bởi bất kỳ bạn bè nào, không phải là thành viên của bất kỳ liên minh nào, khi tất cả mọi người, tất cả những người hàng xóm của chúng tôi, đều đã ở trong tổ chức này” - nhà ngoại giao Ukraine nói, ý chỉ Ba Lan, Slovakia, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông cho rằng tư cách thành viên NATO của các quốc gia này “không thay đổi an ninh của Nga”, đồng thời nhấn mạnh rằng việc “bổ sung” Ukraine cũng sẽ không thay đổi điều đó.
Khi được người dẫn chương trình Nolan yêu cầu làm rõ nhận xét của mình về NATO để nó không bị “chuyển ngữ sai lạc”, đại sứ Prystaiko dường như xác nhận rằng Kiev có thể xem xét lại nguyện vọng gia nhập khối, nhưng thừa nhận rằng bằng cách nói như vậy ông đã “hơi đi ngược lại” hiến pháp của Ukraine, vốn kể từ năm 2019 bao gồm một điều khoản coi việc gia nhập NATO là mục tiêu chiến lược của chính phủ.
“Điều tôi đang nói ở đây là chúng tôi linh hoạt, cố gắng tìm ra cách tốt nhất. Nếu phải thực hiện một số nhượng bộ nghiêm trọng, đó là điều chúng tôi có thể làm, chắc chắn là như vậy” – đại sứ kết luận.
Moscow đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc NATO mở rộng về phía đông, ví dụ như Romania là “tiền đồn của NATO” và là “mối đe dọa hoàn toàn” đối với an ninh của Nga sau khi Bucharest đồng ý đưa các thành phần của hệ thống chống tên lửa của NATO trên lãnh thổ của mình.
Các đề xuất an ninh của Nga, được công bố vào tháng 12-2021 với mục đích thúc đẩy sự ổn định ở châu Âu, bao gồm việc rút các lực lượng, thiết bị và vũ khí nước ngoài khỏi các quốc gia thuộc khối Hiệp ước Warsaw trước đây gia nhập NATO sau năm 1997, bao gồm từ Bulgaria và Romania. Một trong những yêu cầu cốt lõi của Nga là Ukraine không bao giờ trở thành thành viên của khối này - điều mà Kiev cho đến nay vẫn chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ có thể cân nhắc.
Washington và NATO trước đó đã từ chối các yêu cầu quan trọng của Nga về sự đảm bảo bằng văn bản rằng khối quân sự do Mỹ đứng đầu sẽ không mở rộng gần biên giới của mình, trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Điện Kremlin “không có quyền phủ quyết” đối với nỗ lực của NATO.
Nga đã chuyển hơn 100.000 quân và vũ khí hạng nặng tới gần Ukraine trong những tuần gần đây, khiến Mỹ và các đồng minh NATO cảnh báo rằng một cuộc tấn công có thể sắp xảy ra. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận khả năng tấn công Ukraine, khẳng định nước này chỉ đang tiến hành diễn tập quân sự, theo hãng tin Reuters.