Đẩy mạnh số hóa, giúp ngân hàng nâng cao tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA). Hiện tiền gửi không kỳ hạn có mức lãi suất vô cùng thấp, chỉ từ 0,1-0,8%/năm.
Mới đây, khi đánh giá về bức tranh tăng trưởng của ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, cho biết: Lợi nhuận trước thuế của MSB năm 2021 đạt 5.088 tỉ đồng, gấp đôi năm trước.
Sự tăng trưởng này đến từ hai mảng chính là thu phí và kinh doanh ngoại hối với tốc độ tăng trưởng thu nhập so với năm ngoái lần lượt là 250% và 41,8%.
Cụ thể, ở mảng thu phí, MSB ghi nhận khoản thu lớn từ hợp đồng Banca (ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng) với Prudential. Dự kiến doanh thu phí Banca năm 2022 tăng 50-51%. Doanh số ngoại hối cũng ghi nhận kỷ lục mới đạt 7,209 triệu USD, tăng gần 40% so với năm 2020.
Lý giải về tỉ lệ tăng trưởng vượt bậc của casa, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc tài chính của MSB, thông tin thêm: CASA tăng trưởng tốt chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Nhờ đẩy mạnh số hóa, số lượng và giá trị giao dịch e-banking của khách hàng cá nhân và SEM đã tăng vọt tương ứng 46,6% và 79% so với năm 2021.
Điều đó cho thấy, việc các nhà băng đẩy mạnh số hóa đã và đang giúp nhiều ngân hàng tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Trong năm 2021, Techcombank đạt 50,5%, ghi nhận tỉ lệ CASA cao nhất toàn ngành ngân hàng.
Cũng nhờ phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, mà tỷ lệ CASA tại MBBank nằm trong top đầu trong hệ thống khi tỉ lệ CASA đạt 49%, tổng huy động không kỳ hạn trong năm ngoái lên tới hơn 190.000 tỉ đồng.
Còn tại VPbank, tỉ lệ CASA trong năm 2021 cũng tăng trưởng khá tốt với mức tăng trưởng chiếm 23% tổng huy động của toàn ngân hàng này.