vĐồng tin tức tài chính 365

Philippines vào cuộc đua tổng thống giữa nỗi lo bạo lực

2022-02-15 06:06

Từ ngày 8-2, Philippines chính thức khởi động cuộc đua tổng thống với ba tháng vận động tranh cử trước khi tổ chức bầu cử vào ngày 9-5, theo hãng tin AFP.

Có tất cả 10 ứng cử viên đang chạy nước rút cho vị trí kế nhiệm Tổng thống Rodrigo Duterte. Trong số này có hai ứng cử viên được đánh giá có tiềm năng cao: Ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr - con trai cố Tổng thống Ferdinand Marcos Sr và Phó Tổng thống đương nhiệm Leni Robredo - ứng cử viên nữ duy nhất.

Sự trở lại của gia tộc Marcos

Tổng thống Marcos nắm quyền giai đoạn 1965-1986, được biết đến như là một nhà cầm quyền độc tài khi áp dụng chế độ thiết quân luật từ năm 1972 đến 1981. Thời kỳ cầm quyền của ông Marcos được biết đến với tình trạng tham nhũng lan tràn, chuyên quyền, vi phạm nhân quyền. Ông bị phế truất năm 1986 sau một đợt biểu tình lớn và gia tộc Marcos phải lưu vong sang Mỹ.

Philippines vào cuộc đua tổng thống giữa nỗi lo bạo lực - ảnh 1
Ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr, ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc đua tổng thống Philippines năm nay, gặp gỡ người ủng hộ. Ảnh: FACEBOOK/BONGBONG MARCOS

Ông Marcos Jr (64 tuổi) được đánh giá là một trong những nhân vật phân cực nhất ở Philippines. Ông Marcos Jr nói lúc đó mình còn quá trẻ để chịu bất cứ trách nhiệm nào về chế độ của cha mình. Tuy nhiên, những người chỉ trích chỉ ra rằng ông Marcos Jr từng làm tỉnh trưởng tỉnh Ilocos Norte (1983-1986) khi cha mình cầm quyền và được bổ nhiệm làm chủ tịch một công ty cung cấp dịch vụ vệ tinh do nhà nước quản lý vào năm 1985. Sau khi về nước, ông Marcos Jr trở lại làm tỉnh trưởng tỉnh Ilocos Norte, sau đó làm thượng nghị sĩ, ra tranh cử vị trí phó tổng thống năm 2016 nhưng thua sít sao bà Robredo.

Ông Marcos có hậu thuẫn khá mạnh: Một chiến dịch truyền thông xã hội lớn (nhắm đến thế hệ trẻ không biết nhiều đến thời kỳ cầm quyền của ông Marcos cha) và liên minh với con gái Tổng thống Duterte và cũng là ứng cử viên cho vị trí phó tổng thống trong cuộc bầu cử tới - bà Sara Duterte.

Trong khi đó, theo thông tin từ AFP thì sự tham gia tranh cử tổng thống của bà Robredo chỉ là miễn cưỡng, vì áp lực từ những người ủng hộ. Dù không chịu tranh cãi nhiều như ông Marcos Jr nhưng bà Robredo chỉ về thứ hai trong các cuộc khảo sát cử tri và kém khá xa ông Marcos Jr.

Về cơ hội, AFP nhận định khả năng ông Marcos Jr “sẽ viết lại lịch sử”, trở thành tổng thống Philippines sau hơn 35 năm cha mình mất quyền lực. Nhà phân tích Peter Mumford của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) đánh giá “vị tổng thống được yêu thích nhất vẫn là ông Marcos Jr” và dự đoán cơ hội chiến thắng của ông này tới 70%, trong đó sẽ có rất nhiều lá phiếu của những người đã ủng hộ Tổng thống Duterte.

Trong khi đó, AFP đánh giá bà Robredo với tính cách ôn hòa khó có nhiều cơ hội ở một đất nước vẫn luôn ưa chuộng sự nam tính, mạnh mẽ.

Nỗi lo bạo lực

Đi cùng với các cuộc bầu cử ở Philippines luôn là nỗi lo bạo lực. Theo đài Al Jazeera, bạo lực chính trị ở Philippines thuộc hàng nghiêm trọng nhất Đông Nam Á.

Còn nhớ đợt bầu cử địa phương toàn quốc hồi tháng 5-2018, hàng loạt sự cố bạo lực đã xảy ra liên quan đến cuộc thăm dò trước bầu cử làm 33 người chết và 19 người bị thương. Trong những người thiệt mạng có 18 quan chức địa phương đương nhiệm, bốn ứng cử viên, ba cựu quan chức dân cử và tám dân thường. Một cựu nghị sĩ bị bắn chết khi đang đọc bài phát biểu tranh cử ủng hộ một ứng cử viên cho chức vụ trưởng làng. Một phát thanh viên địa phương ở đảo Mindanao (Nam Philippines) cũng bị bắn chết. Gia đình một thị trưởng thị trấn ở tỉnh Cebu bị phục kích.

Lần đầu tiên kể từ khi trở thành tổng thống vào năm 2016, Tổng thống Duterte đã không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này. Lý do không được đưa ra.

Tuy nhiên, số thương vong vì bạo lực bầu cử năm 2018 vẫn thấp hơn so với số người bị giết trong đợt bầu cử cấp làng năm 2013, với 109 người chết và 59 người bị thương. Ở Philippines, các cuộc bầu cử cấp làng rất quan trọng khi giúp xác định ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương và quốc gia, vì các già làng đóng vai trò là người tổ chức cơ sở cho các đảng chính trị.

Tạp chí học thuật Pacific Affairs hồi tháng 9-2021 công bố một báo cáo do TS Tom Smith từ ĐH Portsmouth (Anh) và TS Joseph Reyes từ ĐH Lund (Thụy Điển) thực hiện, điều tra bạo lực bầu cử ở Philippines. Đây là nghiên cứu hàn lâm đầu tiên được công bố về vấn đề này sau 23 năm và với các bằng chứng cho thấy bạo lực ngày càng gia tăng. Báo cáo cho thấy các nhóm vũ trang và cả lực lượng an ninh nhà nước có vai trò trong các vụ sát hại nhà báo, ám sát ứng cử viên, các cuộc tấn công vào cử tri và các nhóm vận động tranh cử.

Theo báo cáo, bạo lực bầu cử ở Philippines đã trở nên tồi tệ kể từ năm 2004 và phần lớn không được điều tra hiệu quả. Hai tiến sĩ đã tìm hiểu các sự cố bạo lực liên quan đến bầu cử trong giai đoạn 2004-2017 với kết quả cho thấy bạo lực gia tăng gần ngày bầu cử. Cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của chính quyền ông Duterte có khả năng sẽ càng khiến cuộc bầu cử sắp tới thêm bạo lực. Đã có dấu hiệu cho thấy cuộc bầu cử sắp tới khó bình yên, Bộ Tư pháp Philippines vừa yêu cầu điều tra một lời đe dọa trên mạng xã hội TikTok sẽ ám sát ông Marcos Jr.•

Ba tháng vận động tranh cử này sẽ là cuộc tấn công hỗn loạn và đầy màu sắc của các ứng cử viên nhằm thu hút các cử tri vốn thường được cho là quan tâm đến tính cách hơn là chính sách.

AFP

Nhiều người tìm cách ngăn chặn gia tộc Marcos trở lại nắm quyền

Những người phản đối gia tộc Marcos tìm cách ngăn chặn viễn cảnh lại có một nhân vật thuộc gia tộc này lên làm tổng thống, bằng cách đệ đơn lên Ủy ban bầu cử yêu cầu loại tư cách ứng cử viên của ông Macros Jr do bị kết án trước đó vì đã không khai thuế thu nhập nhưng không thành công.

Nhiều nhà quan sát cho rằng thậm chí nếu ông Marcos Jr có bị loại khỏi cuộc đua thì cũng sẽ có một thành viên khác của gia tộc Marcos thế chỗ.

Cho tới gần đây Tổng thống Duterte vẫn ủng hộ ông Marcos Jr, ghi nhận sự hỗ trợ của gia đình ông Marcos Jr giúp ông thắng ghế tổng thống. Tuy nhiên, những tháng gần đây thái độ của ông Duterte với ông Marcos Jr lại lạnh nhạt hơn và vẫn từ chối tuyên bố ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào. Theo các nhà quan sát, thái độ này có thể vì ông Duterte muốn để mở cơ hội tìm kiếm sự đảm bảo an toàn cho mình từ người kế nhiệm một khi ông rời chức tổng thống. 

 

Xem thêm: lmth.5333401-cul-oab-ol-ion-auig-gnoht-gnot-aud-couc-oav-senippilihp/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Philippines vào cuộc đua tổng thống giữa nỗi lo bạo lực”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools