Chế biến sâu - then chốt để xây dựng thương hiệu nông sản Việt - Ảnh: T.MẠNH
Tối 14-2, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức diễn đàn "Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp" với sự tham dự của 300 kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước.
TS Hoàng Mạnh Huê, chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, cho biết hiện nay, mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh.
Để giải quyết việc này cần phát huy vai trò tổ chức, hiệp hội ngành nghề… trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn… để trao đổi thông tin.
"Về phía các cơ quan quản lý, nên tạo một trung tâm dữ liệu chung để các kiều bào và doanh nghiệp có thể truy cập để trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ" - ông Huê nói.
Chia sẻ những kinh nghiệm để đưa nông sản vào thị trường Mỹ, bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS US LLC - Mỹ, cho biết nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản nhiệt đới từ Việt Nam ngày càng gia tăng, nhưng thị trường Hoa Kỳ có tiêu chuẩn cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải làm ăn lâu dài, bài bản, đặt cam kết chất lượng lên hàng đầu.
"Trước khi bước vào thị trường mới, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, đặc biệt thị trường ngách, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường để ổn định.
Nếu không thể tự mình phát triển thị trường với thương hiệu riêng, các doanh nghiệp có thể tham gia vào một hệ thống phân phối có sẵn, theo quy chuẩn của nhà phân phối. Đồng thời, tìm hiểu các đối tác chiến lược, các thỏa thuận, hiệp định quốc gia cho các dòng sản phẩm để nhận ưu đãi thuế quan và thủ tục" - bà Jolie Nguyễn nói.
Các đại biểu dự diễn đàn - Ảnh: CTV
Ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Meet More Coffee, cho rằng cần đề cao chế biến sâu, để phát triển giá trị gia tăng. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với thị trường nội địa và quốc tế.
Theo ông Luận, cà phê Nông sản Việt là một sản phẩm khác biệt, giúp giải nhiều bài toán, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản như hiện nay. Tuy nhiên, việc làm này hiện mới chỉ dừng ở mức tự phát và thiếu yếu tố mang tính bền vững.
Để thay đổi, ông Luận kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng.
Kết luận diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan dẫn tựa một quyển sách của Hàn Quốc: "Thế giới quả là rộng lớn, chúng ta còn nhiều việc phải làm". Ông Hoan chia sẻ toàn ngành nông nghiệp chỉ có hơn 1.000 người, lâu lâu có chuyến đi nước ngoài như là cưỡi ngựa xem hoa. Còn tất cả kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, có thể tường tận hơn văn hóa, lịch sử, tập tục, nhu cầu, yêu cầu, quy chuẩn của các nước sở tại.
"Tôi tự nhủ rằng chúng ta bán cái thế giới cần chứ không phải bán cái chúng ta có, nhưng cần như thế nào thì riêng Bộ NN&PTNT không thể nào hiểu được hết nếu không có sự hỗ trợ của bà con kiều bào.
Mỗi người ăn đi một nông sản, bán được một nông sản của bà con nông dân là chúng ta đã yêu quê hương. Chúng ta đem ý tưởng từ những nước tinh hoa, hiện đại, những nước đã đi vào nền nông nghiệp cách mạng 4.0 về Việt Nam một sáng kiến, công nghệ nhỏ là yêu nước" - ông Hoan chia sẻ.
Qua những ý kiến đóng góp, chia sẻ, bộ trưởng cho rằng ngành nông nghiệp cần làm một điều gì đó mới mẻ, mạnh mẽ hơn và nhanh chóng tích hợp những ý kiến tâm huyết của cộng đồng kiều bào tại diễn đàn.
TTO - "Chúng tôi rất mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo chương trình quốc gia Mỗi phường xã một sản phẩm của Việt Nam".
Xem thêm: mth.86114533241202202-teiv-nas-gnon-ueih-gnouht-gnud-yax-ed-tohc-neht-uas-neib-ehc/nv.ertiout