Thông tin về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang, cho biết, tính đến ngày 14-2 trên địa bàn tỉnh có 7/599 cửa hàng xăng ngừng kinh doanh, chưa hoạt động trở lại.
Theo ông Hồ, thời gian qua trước áp lực về nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, phần lớn cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn đảm bảo, duy trì hoạt động, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Tuy nhiên cũng phát sinh một số trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, bán nhỏ giọt, không còn xăng để bán…
Nguyên nhân là do nguồn cung ứng không được kịp thời, nhất là trong thời điểm nghỉ Tết; mức chi hoa hồng của các thương nhân phân phối cho các cửa hàng rất thấp, có thời điểm bằng không. Với mức hoa hồng này, cửa hàng không đủ bù đắp chi phí hoạt động.
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra thực tế các trụ bơm xăng. Ảnh: N.HỒ
"Các trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, bán nhỏ giọt, không còn xăng để bán…đều được QLTT kiểm tra, giám sát; xác minh, làm rõ nguyên nhân thì phần lớn bồn chứa, cò bơm của các cửa hàng đều không còn xăng"- ông Hồ nói.
Theo ông Hồ, các trường hợp ngưng, nghỉ chỉ xảy ra ở một số ít cửa hàng do đứt gãy nguồn cung, chưa xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, QLTT sẽ kiểm tra, xác minh, làm rõ từng trường hợp như kiểm tra thực tế bồn chứa, cò bơm. Trường hợp cần thiết, QLTT sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành đo bồn, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
"Thực tế cho thấy việc đứt gãy trong chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính làm cho kinh doanh xăng dầu trên địa bàn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để xác minh, làm rõ nguyên nhân có tình trạng đầu cơ, găm hàng hay không nếu chỉ riêng lực lượng QLTT sẽ rất khó để thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, QLTT sẽ khó khăn về kiểm tra số sách, nguồn đầu vào, đầu ra; đối chiếu thực tế, kiểm tra bồn chứa…nên rất cần sự phối hỗ trợ của các ngành" - ông Hồ đề nghị.
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra bồn chứa xăng. ẢNH: N.HỒ
Cũng theo ông Hồ, ngày 10-2 Cục QLTT tỉnh đã nhận được đơn của công ty CP thương mại Hóa dầu Ressol (TP Cần Thơ) kiến nghị xin tạm đóng cửa một số cửa hàng xăng dầu trực thuộc và thông báo tạm ngưng cung cấp hàng cho cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống đại lý.
Công ty này cho biết, với tư cách là thương nhân phân phối xăng dầu luôn cố gắng duy trì nguồn cung cho cửa hàng trực thuộc, khách hàng thuộc hệ thống, đại lý của mình; đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung xăng dầu liên tục bị đứt đoạn, công ty dù đã cố gắng mở rộng thị trường tìm kiếm nguồn cung mới, nhưng vẫn khan hiếm hàng hóa. Hoặc có thời điểm không tiến hành các hoạt động mua bán, công ty dù chấp nhận thiệt hại vẫn không đủ hàng để cung cấp cho cửa hàng, đại lý bán lẻ.
Từ những khó khăn trên, đề nghị cơ quan chấp thuận cho công ty tạm đóng một số cửa hàng trực thuộc sau khi đã tiêu thụ hết lượng hàng tồn hiện có. Đồng thời, tạm ngưng cung cấp hàng cho các đại lý bán lẻ thuộc địa bàn quản lý của địa phương.
Công ty cam kết sẽ mở của hoạt động và cung cấp đầy đủ hàng hóa ra thị trường sau khi tìm được các nguồn cung xăng dầu.
Ngày 11-2, Cục QLTT TP. Cần Thơ kiểm tra công ty Ressol để làm rõ việc không cung cấp xăng dầu cho một DN tại địa phương. Theo người đại diện pháp luật công ty, hàng hoá khan hiếm công ty mua được số lượng có hạn hoặc không mua được hàng từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên thiếu hụt nguồn cung cho các đại lý trực thuộc. Từ ngày 25-1 đến hiện nay công ty chỉ mua được 50 khối xăng A95, 10 khối dâu DO. Lực lượng chức năng Cần Thơ kiểm tra thực tế các bồn chứa xăng dầu tại kho của công ty xác định là không còn tồn xăng dầu. Qua kiểm tra, nhận thấy công ty chưa có dấu hiệu găm hàng… Hiện nay công ty có năm cửa hàng bán lẻ trực thuộc 24 đại lý xăng dầu ở các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ.
|