Theo hãng tin AFP, trong cuộc điện đàm hôm 14-2, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí rằng vẫn còn đó một "cánh cửa ngoại giao" để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Cả 2 nhà lãnh đạo đồng ý rằng vẫn còn đó một cách cửa ngoại giao để Nga lùi bước trước những hành vi đe dọa đối với Ukraine" - phát ngôn viên văn phòng Thủ tướng Anh cho hay.
"Thủ tướng Johnson và Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Ukraine cũng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài đối với Nga, với thiệt hại sâu rộng cho cả Nga và thế giới” - người này cho biết.
Theo ông, 2 nhà lãnh đạo còn nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán ngoại giao với Nga vẫn là "ưu tiên hàng đầu" và hoan nghênh các cuộc nói chuyện đã diễn ra trước đó giữa Nga và các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: SKY NEWS
“Họ nhất trí rằng các đồng minh phương Tây phải duy trì sự đoàn kết khi đối mặt với các mối đe dọa từ Nga, bao gồm cả việc áp đặt một gói trừng phạt lớn nếu Nga tiếp tục gia tăng các hành vi gây hấn” - phát ngôn viên văn phòng Thủ tướng Anh cho hay.
"Cả 2 cũng nhắc lại sự cần thiết của các nước châu Âu trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, một động thái mà hơn bất kỳ động thái nào khác, sẽ đánh vào trọng tâm lợi ích chiến lược của Moscow” - ông cho biết.
Cuộc điện đàm mới nhất giữa 2 nhà lãnh đạo tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, diễn ra sau khi các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo rằng Nga có thể tiến hành tấn công Kiev trong vài ngày tới.
Cùng ngày, khi nói chuyện với các phóng viên trong chuyến thăm Scotland, Thủ tướng Johnson đã thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin lùi lại một bước khi tình hình đang trở nên "rất, rất nguy hiểm".
Thủ tướng Anh khẳng định ông không có kế hoạch đến thăm Moscow, song sẽ sớm thảo luận về cuộc khủng hoảng với "các nhà lãnh đạo khác".
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: WALL STREET JOURNAL
Trước đó, vào ngày 11-2, Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey nói với những công dân Anh còn đang ở Ukraine rằng họ có nguy cơ gặp nguy hiểm lớn nếu Tổng thống Putin quyết định tấn công.
“Tôi đang muốn nói rất, rất rõ với mọi người rằng họ nên rời khỏi Ukraine ngay bây giờ, trong khi các phương tiện di chuyển thương mại vẫn còn có thể làm điều đó, trong khi các tuyến đường cao tốc vẫn còn nguyên vẹn để họ lái xe qua biên giới” - ông Heappey nói.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Anh, "đây không phải là một cảnh báo về điều gì đó có thể xảy ra trong thời gian ba tháng tới”. Sẽ không có bất kỳ lời cảnh báo nào theo sau lời cảnh báo này nữa, vì mọi chuyện “đã đạt đến mức độ nghiêm trọng hơn”.
“Đây là lời cảnh báo duy nhất, vì vài phút sau khi ông Putin ra lệnh, tên lửa và bom có thể sẽ được nhắm vào các thành phố ở Ukraine. Các công dân Anh nên rời đi ngay bây giờ, trong khi họ có cơ hội để làm như vậy” - ông Heappey nhấn mạnh.
Một binh sĩ Ukraine đang dỡ gói hàng hỗ trợ quân sự của Mỹ tại Sân bay Quốc tế Boryspil tại Kiev, ngày 10-2. Ảnh: REUTERS
Mối lo ngại về một cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine xuất hiện sau khi Moscow điều 100.000 quân đến gần biên giới với Kiev. Mỹ cùng các nước phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công Ukraine.
Trong khi đó, chính quyền Nga liên tục phủ nhận và cho rằng chính Mỹ cùng đồng minh của mình mới là bên gây nên sự bất ổn ở khu vực Đông Âu.
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây và các quốc gia khác đã sơ tán nhân viên đại sứ quán rời khỏi Kiev và khuyến cáo công dân của họ không nên đến Ukraine trong bối cảnh căng thẳng giữa Kiev và Moscow tiếp tục tăng cao.