Khuyến khích gửi online khoản tiết kiệm nhỏ
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), tính đến cuối tháng 11/2021, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 10,68 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong khoảng mười năm trở lại đây. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 10,78%, tiền gửi của người dân chỉ tăng 2,63%.
Theo báo cáo tài chính được một số ngân hàng (NH) công bố gần đây, tổng tiền gửi năm 2021 giảm rất mạnh so với năm 2020. NH Thương mại cổ phần (TMCP) Đông Nam Á (SeABank) giảm gần 3.492 tỷ đồng; NH TMCP Quốc Dân (NCB) giảm 7.565 tỷ đồng; NH TMCP Xăng Dầu (PG Bank) giảm 663 tỷ đồng, NH TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) giảm 118 tỷ đồng... Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn giảm mạnh hơn so với tiền gửi không kỳ hạn. Một số NH như Eximbank, HD Bank, LienVietPostBank, ACB có sự tăng trưởng tiền gửi nhưng mức tăng thấp.
Đáng chú ý, trong khi các NH kể trên chưa có động thái để thu hút tiền gửi thì nhiều NH khác đồng loạt công bố tăng lãi suất (LS) tiền gửi. LS huy động của NH Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) tăng thêm 0,4%, lên 5,8%/năm với sản phẩm gửi tiết kiệm Phát lộc, kỳ hạn 36 tháng. Các sản phẩm huy động khác (cùng kỳ hạn 36 tháng) cũng tăng thêm 0,5%/năm. LS huy động kỳ hạn sáu tháng của Bac A Bank tăng 0,1%, lên 6%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%, lên 6,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng tăng 0,2%, lên 6,8%/năm.
Một số NH khác có mức tăng LS huy động khá cao. Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), LS tiền gửi online tăng từ 0,2 - 0,3%/năm đối với các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên; nếu LS kỳ hạn năm tháng là 3,9%/năm thì LS kỳ hạn sáu tháng lên đến 6,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,2%/năm, kỳ hạn 16 tháng là 7,4%/năm.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động ngay từ đầu năm mới Nhâm Dần |
NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có LS tiền gửi trong tháng đầu tiên lên tới 6,96%/năm, LS các tháng tiếp theo cao hơn LS tiết kiệm thông thường từ 0,2 - 0,5%/năm. Đại diện VPBank cho rằng, quan điểm gửi tiết kiệm của người dân đã thay đổi. Trước đó, nhiều người nghĩ rằng cần phải có một khoản tiền lớn mới gửi tiết kiệm thì nay, họ gửi những khoản tiền nhỏ theo phương thức trực tuyến. Các NH cũng khuyến khích cách gửi này. Sau khi gửi thành công, khách nhận được chứng thực tiết kiệm trên ứng dụng, qua tin nhắn, email cá nhân. Nếu khách cần giấy xác nhận số dư tiết kiệm thì liên hệ đến tổng đài hoặc đến bất kỳ phòng giao dịch nào để nhận giấy xác nhận có dấu đỏ của NH. Hình thức này giúp khách dễ đáo hạn, tất toán và có thể rút tiền bất cứ lúc nào.
Giảm lãi suất cho vay không phải là mấu chốt
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, tổng tiền gửi có kỳ hạn dài giảm là do người dân đang chuộng các kỳ hạn ngắn hoặc không kỳ hạn để dễ rút tiền trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản (BĐS) đang hấp dẫn hơn. Việc NHNNVN vẫn muốn duy trì chính sách hạ LS cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) cho thấy LS huy động sẽ khó tăng thêm, trừ khi có biến động mạnh, trong đó có vấn đề lạm phát.
“Trong năm 2021, chỉ số lạm phát của Việt Nam rất thấp. Nhưng bước sang năm 2022, chỉ số này có thể tăng do các yếu tố như khó khăn của nền kinh tế, cung cầu trên thị trường thế giới bị ảnh hưởng do dịch bệnh, hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang… Nếu không kiểm soát được lạm phát thì LS sẽ tăng, còn nếu kiểm soát được lạm phát dưới 4% thì LS vẫn sẽ như hai năm vừa qua” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - việc NHNNVN muốn các NH “đè” LS cho vay và LS huy động để hỗ trợ DN là “phi kinh tế”. LS phải cân bằng, hợp lý và không phải lúc nào LS thấp cũng tốt, nhất là đối với nền kinh tế như Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, không phải nhờ LS cho vay thấp mà DN có thể sớm phục hồi, phát triển được. Vấn đề mấu chốt là cách thức kinh doanh, quản lý, sử dụng vốn của DN, phụ thuộc vào thị trường và sức mua của người dân… Nếu tiếp tục “đè” LS cho vay thì người gửi tiền bị “ép”, dòng tiền sẽ không đổ vào DN mà ngược lại còn khuyến khích họ đầu tư vào BĐS, chứng khoán.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích, LS huy động 6%/năm không phải là thấp nhưng với những cơ hội đầu tư mà người dân cho là hấp dẫn hơn như mua BĐS, chứng khoán, mức này trở nên thấp. Do đó, LS hiện nay tăng 1 - 2%/năm là hợp lý bởi LS huy động thời gian qua đã bị “kìm nén” và đây chính là sự cân đối vốn để điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư. Các NH có quy mô nhỏ hơn thì LS huy động phải tăng; nếu buộc họ hạ LS thấp như các NH lớn thì họ sẽ không huy động được, thiếu vốn.
“Xu thế sắp tới là một số NH quy mô nhỏ sẽ kẹt vốn. Trong năm 2021, lượng trái phiếu do DN BĐS phát hành rất lớn, cho thấy các NH không còn mặn mà cho vay đầu tư BĐS nên các DN này buộc phải dùng đến kênh huy động bằng trái phiếu. Trong năm 2022, Bộ Tài chính chủ trương “siết” trái phiếu BĐS nên DN sẽ không huy động được vốn từ kênh này để trả nợ NH. Do đó, các NH sẽ bị kẹt vốn và buộc họ phải tăng LS huy động để tăng vốn” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định.
Ngân hàng chịu áp lực kiềm chế lãi suất cho vay Hiện nay, nguồn vốn cho DN và người dân vay đều là nguồn vốn huy động tiết kiệm. Một khi LS huy động tăng sẽ khó có chuyện giảm LS cho vay, trong khi hiện LS cho vay được cho là quá cao so trong bối cảnh DN, người dân gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cũng nhận định LS cho vay trong thời gian tới sẽ khó tăng hoặc nếu có chỉ tăng nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến DN. Có nhiều lý do để LS ổn định trong thời gian tới. Thứ nhất, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Nhà nước trong năm 2022 là khoảng 4%, do vậy mặt bằng LS vẫn xoay quanh mốc tham chiếu này. Thứ hai, NHNNVN kiên định với mục tiêu duy trì LS ổn định, mặc dù đây là thách thức rất lớn với cơ quan điều hành và cả các NH. Thứ ba, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ LS 40.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, như vậy LS cho vay thuộc gói này trong các năm 2022 - 2023 sẽ giảm 2%/năm. “Nguồn cung ứng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống NH, trong khi nguồn vốn của NH hiện tại chủ yếu là ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh nguồn tiền gửi dài hạn tại các TCTD liên tục giảm, gây áp lực không nhỏ cho các NH. Việc triển khai gói 40.000 tỷ đồng sớm, hiệu quả sẽ không chỉ tác động đến các DN được vay vốn mà còn giảm áp lực cho các NH” - phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nói. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành NH mới đây ở TPHCM, Phó Thống đốc NHNNVN Đào Minh Tú khẳng định, NHNNVN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng. Dòng vốn NH sẽ tiếp tục được ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực khó khăn do dịch bệnh như du lịch, vận tải, lưu trú… kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, trái phiếu, |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6217541a-gnat-taol-gnod-iug-neit-taus-ial/nv.moc.enilnounuhp.www