Hôm nay (15/2), Eximbank tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai. Đại hội có hơn 146 cổ đông tham dự, đại diện cho 1,16 tỷ cổ phần, tương đương 94,6% cổ phần có quyền biểu quyết.
Hơn 60,25% cổ đông tham dự đã thông qua quy chế tiến hành cuộc họp. Theo đó, sau 5 năm, Eximbank lần đầu tiên có thể đủ điều kiện về túc số để tiến hành ĐHĐCĐ, biểu quyết về các tờ trình.
Trước đó, tại cuộc ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 26/4/2021, tỷ lệ tham dự tại đại hội đạt 94,51%, tuy nhiên kết quả kiểm phiếu thông qua Quy chế họp lại chỉ đạt 44,92%. Cuộc họp do đó phải dừng lại.
Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank trên thực tế đã kéo dài gần một thập kỷ và trở nên cao trào trong 4 năm gần đây khi các lần ĐHĐCĐ không thể tổ chức vì các bên không tìm được tiếng nói chung, liên tục đòi thanh lọc thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).
Lần gần nhất Eximbank có thể tổ chức ĐHĐCĐ thành công là năm 2018, ngân hàng thông qua được toàn bộ các tờ trình. "Sóng gió" chính thức nổi lên từ năm 2019 khi bà Lương Thị Cẩm Tú bất ngờ được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank vào tháng 3/2019, thay thế ông Lê Minh Quốc nhưng ông Quốc không công nhận.
Giữa lúc tranh chấp "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT đang căng thẳng, ĐHĐCĐ lần 1 năm 2019 không được tiến hành khi không đủ túc số. ĐHĐCĐ lần 2 năm 2019 đủ điều kiện tiến hành nhưng xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa, một số nhóm tuyên bố không công nhận chủ tọa cuộc họp và không tin vào ban kiểm phiếu. Cuộc họp do đó phải dừng lại giữa chừng.
"Cuộc chiến vương quyền" những năm qua khiến Eximbank trở thành ngân hàng niêm yết lạ lùng nhất Việt Nam. 2 năm liền Eximbank không có Tổng Giám đốc, mãi đến ngày 8/9/2021 mới chính thức bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc, sau khi được NHNN phê duyệt. Hội đồng quản trị thì lục đục với những lần bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch trong tích tắc.
Bất ổn "thượng tầng" trong thời quan dài đã khiến Eximbank từ ngân hàng tư nhân top đầu tụt sâu xuống dưới. Lợi nhuận năm 2021 của Eximbank chỉ còn đứng thứ 19 trong hệ thống, thấp hơn nhiều ngân hàng nhỏ, ngân hàng tầm trung.
Cơ cấu cổ đông ngân hàng đã có thay đổi đáng kể trong những năm trở lại đây với bóng dáng của một số nhóm cổ đông mới – cũng là doanh nghiệp "máu mặt" trên thị trường.
Danh sách đề cử vào HĐQT được trình tới cổ đông hôm nay đã phần nào hé lộ "cục diện" tại Eximbank.
Cụ thể, bà Lương Thị Cẩm Tú (sinh năm 1980) tự đề cử vào HĐQT. Bà Tú cũng nhận được sự ủng hộ của CTCP Chứng khoán Bảo Minh và 5 cổ đông cá nhân khác.
Bà Đỗ Hà Phương (SN 1984) – đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners - được đề cử bởi 7 cá nhân và 4 tổ chức, bao gồm: CTCP Rồng Ngọc, CTCP Hoàng Gia ĐL, CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn, Công ty TNHH M8.
Ông Nguyễn Thanh Hùng (1978) – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ Bamboo Capital được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, CTCP Thắng Phương, CTCP Đầu tư và Dịch Helios.
Ông Nguyễn Hiếu (sinh năm 1973) được đề cử bởi nhóm cổ đông Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited. Ông Hiếu còn nhận được đề cử của bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc.
Bà lê Hồng Anh (1975) và ông Đào Phong Trúc Đại (1975), được đề cử, là người của Tập đoàn Thành Công. Bà Hồng Anh đang là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land. Ông Đại là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess, được đề cử bởi CTCP Tập đoàn Thành Công, Mr Exim Investments và bà Nguyễn Hồng Ngọc.
Ông Võ Quang Hiển (1969) được Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đề cử. SMBC đang sở hữu 15% vốn Eximbank. Cổ đông Nhật Bản mới đây đã chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh với Eximbank. Có thể SMBC đã tìm được đối tác để chuyển nhượng số cổ phần tại ngân hàng.
Ngoài các nhóm cổ đông trên, cổ đông Vietcombank đang nắm giữ 4,5% cổ phần tại Eximbank.
https://cafef.vn/gan-1-thap-ky-tranh-chap-rong-ra-4-nam-moi-co-the-hop-dhdcd-cuc-dien-tai-ngan-hang-la-lung-nhat-viet-nam-dang-nhu-the-nao-20220215111316442.chnTheo P.V
Doanh nghiệp và Tiếp thị