Sau 2 năm đại dịch, chỉ còn khoản hơn một nửa dân số Mỹ (53%) cho biết họ có tiền trong tài khoản tiết kiệm khẩn cấp nhiều hơn số tiền nợ thẻ tín dụng. Đây là một thực tế đáng buồn.
Tình trạng này đặc biệt tồi tệ đối với những người Mỹ trẻ tuổi. Theo cuộc khảo sát mới của Bankrate, rất nhiều người thuộc thế hệ Millennials (26-41 tuổi) và thế hệ Z (18-25 tuổi) bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Họ nó rằng dịch bệnh đã "ăn sạch" các khoản tiền kiệm từ trước.
Gần một nửa số người thuộc Thế hệ Z (Gen Z) được hỏi - 46% - nói rằng khoản tiết kiệm khẩn cấp của họ vào năm 2022 ít hơn so với khi bắt đầu đại dịch. Trong khi đó, 43% người thuộc thế hệ Millennials cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn đối với những người trong độ tuổi từ 26 đến 32. Cụ thể, 54% nói rằng khoản tiết kiệm khẩn cấp của họ đã giảm đáng kể trong đại dịch. Ở những người thuộc thế hệ X (Gen X - sinh năm 1965-1980), tỷ lệ này là 37%. Ở những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (sinh ra từ năm 1946-1964), tỷ lệ này chỉ là 27%.
Greg McBride, trưởng nhóm phân tích tài chính tại Bankrate.com, cho biết: "Đó là hệ quả của sự gián đoạn thu nhập mà những người lao động trẻ tuổi phải gánh chịu một cách không cân xứng trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là thế hệ Millennials".
Trên thực tế, năm 2020, Viện Chính sách Kinh tế Mỹ đã chỉ ra rằng Gen Z là thế hệ có nhiều khả năng rơi vào cảnh thiếu việc làm hoặc thất nghiệp do đại dịch. Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng cho biết những người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 29, bao gồm cả Gen Z và những người thuộc thế hệ trẻ hơn, nằm trong số những người có khả năng mất việc làm cao nhất trong đại dịch và họ là nhóm có nhiều khả năng bị buộc phải giảm lương hay nhận mức lương thấp.
Đối với thế hệ Millennials, việc giảm tiền tiết kiệm đồng nghĩa với việc nợ thẻ tín dụng tăng lên. Theo Bankrate, 32% người thuộc thế hệ này nói rằng những gì họ hiện có trong tài khoản tiết kiệm ít hơn trong khoản nợ thẻ tín dụng. Con số này ở Gen Z và Gen X lần lượt là 23% và 24%.
Trước đại dịch, thế hệ Millennials thực sự có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và tránh các khoản nợ tốt hơn các thế hệ trước vì họ trưởng thành vào khoảng thời gian xảy ra vụ phá sản dotcom và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
McBride nhận định: "Dù vậy, các thời kỳ thu nhập bị gián đoạn hoặc thất nghiệp hoàn toàn có thể nhanh chóng ăn mòn số tiền tiết kiệm được của nhóm này và dẫn đến nợ thẻ tín dụng – điều mà họ chưa từng mắc phải".
Theo Bankrate, số người Mỹ có tiền tiết kiệm nhiều hơn nợ thẻ tín dụng đã giảm nhẹ xuống còn 53% vào tháng 1/2022, thấp hơn mức 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây vẫn là con số tương đối cao so với mức 44% của năm 2019.
Cứ 7 hộ gia đình ở Mỹ thì có 1 hộ không có nợ tín dụng nhưng cũng không có bất kỳ khoản tiết kiệm khẩn cấp nào. Đây thực sự là một tình huống bấp bênh vì họ có nhiều khả năng gặp khó khăn nếu thu nhập bị gián đoạn hay có khoản chi phát sinh lớn.
Do vậy, các chuyên gia tài chính của Bankrate khuyên mọi người nên hình thành thói quen tiết kiệm thu nhập hàng tháng, theo dõi chi tiêu cũng như lập ngân sách chi tiêu để phòng trường hợp không mong muốn.
Nguồn: CNBC
http://tintuc.vdong.vn/02/1230301.htmMộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị