Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vọt lên gần 423 điểm, tương đương 1,22%, kết phiên ở gần 34.989 điểm. Cổ phiếu Boeing tăng 3,7% đã hỗ trợ đắc lực cho chỉ số.
S&P 500 bật tăng 1,58% lên 4.471 điểm và hiện nay đang cách đỉnh lịch sử khoảng 7%. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite vượt trội với mức tăng 2,53%. Như thể hiện trong biểu đồ sau, đây là phiên tăng đầu tiên của thị trường chứng khoán Mỹ sau ba ngày đi xuống liên tục.
Ông Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 cho biết một số binh sĩ được điều động đến quân khu miền tây và miền nam (giáp biên giới với Ukraine) đã hoàn thành các cuộc tập trận và "bắt đầu lên tàu hỏa và các phương tiện đường bộ để trở về doanh trại".
Tổng thống Joe Biden ngày 14/2 tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ các nước thành viên NATO nếu cuộc xung đột ở Ukraine tăng nhiệt.
"Nếu Nga tiếp tục leo thang, chúng ta sẽ tập hợp cả thế giới", ông Biden tuyên bố rồi nói thêm rằng các đồng minh của Mỹ đã sẵn sàng áp các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm "gây tổn hại tới khả năng cạnh tranh của Nga về mặt kinh tế cũng như chiến lược".
Sau khi có tin Nga bắt đầu rút một phần quân khỏi biên giới Ukraine, giá dầu thô WTI giảm 3,6% trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 2,04%. Lợi suất tăng đồng nghĩa với giá giảm, tức là dòng tiền không còn muốn trú ẩn ở tài sản an toàn như trái phiếu nữa mà bắt đầu quay lại cổ phiếu.
Chứng chỉ quỹ VanEck Russia ETF, một quỹ giao dịch tại Mỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp lớn ở Nga, tăng 5,8% trong phiên 15/2.
Cổ phiếu công nghệ diễn biến khả quan với Netflix thêm 2,8%, Tesla tăng 5,3%, Zoom Video cũng đi lên 3,4%.
Cổ phiếu hàng không và du thuyền đồng loạt khởi sắc, American Airlines và Delta Air Lines tăng lần lượt 8,1% và 6%, Carnival Corp cũng thêm 6,7%. Như biểu đồ sau đây cho thấy, cổ phiếu năng lượng là nhóm diễn biến tiêu cực nhất thị trường. Đại gia dầu khí Chevron giảm 1,8%, ExxonMobil xuống 1,2%, ConocoPhillips mất 2%.
CNBC dẫn lời ông Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại LPL Financial nhận định: "Căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt đã giúp cải thiện tâm lý thị trường ngày hôm nay, nhưng đó không phải là tin vui duy nhất. Số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ hiện nay đã giảm 80% so với đỉnh hồi tháng 1, cho thấy quá trình tái mở cửa nền kinh tế vẫn tiếp tục".
Ngoài câu chuyện ở Ukraine, nhà đầu tư còn chú ý tới bức tranh lạm phát khi số liệu giá sản xuất mới được công bố hôm 15/2.
Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 tăng 1% so với tháng trước đó, cao gấp đôi dự báo của Dow Jones. Nếu không kể giá thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, PPI lõi tăng 0,9% trong tháng qua, vượt xa mức 0,4% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Như biểu đồ sau cho thấy, PPI tháng vừa qua tăng 9,76% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Kathy Bostjancic, Kinh tế trưởng về nước Mỹ tại Oxford Economics nhận định: "Thông tin Nga rút một phần quân khỏi biên giới Ukraine đang khơi mào cho dòng tiền chảy vào cổ phiếu và làm giá dầu tụt dốc. Tuy nhiên, NATO vẫn đang đợi xác nhận về hành động rút quân này. Trong khi đó, giá sản xuất của Mỹ đầu năm 2022 lại tăng nhanh, cho thấy Fed đang chậm chân trong cuộc chiến chống lạm phát và sẽ phải nhanh chóng thắt chặt".
Những lo ngại về kịch bản tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát cũng khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Citigroup và Goldman Sachs nâng dự báo số lần tăng lãi suất của Fed trong năm 2022 lên 7 lần.
Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis thừa nhận các quan chức Fed không thể ngờ lạm phát lại lên cao tới 7,5% trong tháng 1/2022 và do vậy sẽ cần phải quyết liệt hơn trong chiến dịch thắt chặt tiền tệ.
Thứ Tư tuần này (16/2), Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp diễn ra ngày 26-27/1. Nhà đầu tư sẽ chú ý xem biên bản có thông tin nào chưa được công bố trước đó hay không.
Ông Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors nói: "Nếu Fed thừa nhận mình đang hành động chậm trễ thì sẽ rất thú vị. Nhà đầu tư sẽ chuyển sang vị thế phòng thủ vì nghĩ rằng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn và thắt chặt tiền tệ mạnh hơn".