Kẻ lừa đảo tình cảm để chiếm đoạt tiền thường đánh vào tâm lý nạn nhân và tận dụng các chi tiết công khai mà nạn nhân đưa lên mạng - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Phần lớn nạn nhân là phụ nữ trên 40 tuổi, phụ nữ góa chồng, ly hôn, già yếu hoặc tàn tật, theo Trung tâm Khiếu nại tội phạm Internet của FBI (IC3).
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng thơ ca, hoa và những món quà khác để quyến rũ nạn nhân hoặc khiến "con mồi" động lòng thương, khi nghe những câu chuyện về hoàn cảnh sống khắc nghiệt, bi kịch...
"Những tên tội phạm dành hàng giờ để trau dồi kỹ năng của mình, dựa vào các kịch bản đã được diễn tập kỹ lưỡng và sử dụng thành công nhiều lần. Đôi khi chúng còn ghi nhật ký về nạn nhân để hiểu rõ cách khai thác, thao túng nạn nhân", báo The Guardian dẫn thông tin từ FBI cho biết thêm.
IC3 nhận được khoảng 24.000 đơn khiếu nại lừa đảo tình cảm để chiếm đoạt tài sản trong năm 2020, nhiều hơn gần 4.300 so với năm trước đó.
Tổng thiệt hại ước tính vào năm 2020 khoảng 605 triệu USD, vẫn thấp hơn con số hơn 1 tỉ USD trong năm 2021. Theo The Guardian, con số thực có thể cao hơn do nhiều nạn nhân cảm thấy quá xấu hổ sau khi bị lừa nên không dám trình báo.
Vụ lừa đảo nổi tiếng nhất gần đây có lẽ là vụ của Simon Leviev, một người Israel đóng giả là con trai của một nhà buôn kim cương tỉ phú. Bằng cách này gã đã lừa những phụ nữ cả tin trên ứng dụng hẹn hò Tinder và bỏ túi ít nhất 10 triệu USD.
Câu chuyện lừa đảo của Leviev hiện đã được dựng thành phim và chiếu trên Netflix với tựa đề: "The Tinder Swindler". Nhiều người xem cho rằng "The Tinder Swindler" của Netflix là lời cảnh tỉnh cho những ai dễ tin vào vẻ hào nhoáng bên ngoài.
"Thông thường những kẻ lừa đảo khiến nạn nhân kiệt quệ cả về tài chính lẫn tình cảm. Nhiều người không gượng dậy nổi sau tổn thất về tiền bạc", ông Luis Quesada, một đặc vụ của FBI, cho biết thêm.
FBI đã đưa ra các mẹo tự bảo vệ bản thân trước những kẻ lừa đảo tiềm năng. Các bước đơn giản bao gồm nghiên cứu ảnh và hồ sơ của đối phương để xem liệu hình ảnh hoặc thông tin chi tiết này có được sử dụng ở nơi khác hay không.
Ngoài ra cần thận trọng về lượng thông tin cá nhân chia sẻ trên mạng vì một kẻ lừa đảo giỏi có thể tận dụng bất kỳ chi tiết nào, dù là nhỏ, để xây dựng niềm tin.
Cuối cùng, FBI kêu gọi những ai đã từng bị lừa hãy dũng cảm báo nhà chức trách vì có như vậy mới có thể giúp họ bắt được kẻ lừa đảo trả giá.
TTO - Trong khi thế giới chuẩn bị kỷ niệm ngày lễ Tình nhân 14-2, hãng bảo mật mạng Kaspersky cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn trong việc tìm kiếm các mối quan hệ trên mạng, trong đó có rủi ro tài chính cần cảnh giác.
Xem thêm: mth.10494909061202202-gnam-auq-hnit-aul-ib-iv-dsu-it-1-noh-tam-ym-iougn/nv.ertiout