Sau 5 năm thí điểm, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, cần sớm hoàn thiện và luật hoá các quy định này để có được giá trị pháp lý cao hơn, góp phần tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu giữa các cơ quan chức năng.
Cải thiện xử lý nợ xấu
Vào tháng 6 năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trải qua 5 năm thí điểm, các giải pháp của Nghị quyết này được đánh giá đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý trây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.
Thống kê từ các tổ chức tín dụng cho thấy, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31.5.2021 là 425,4 nghìn tỉ đồng; lũy kế từ 15.8.2017 đến 31.5.2021, đã xử lý được 353,81 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Tổng số nợ xấu xác định theo nghị quyết được xử lý từ 15.8.2017 đến 31.5.2021 đạt trung bình khoảng 6,06 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 2,54 nghìn tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 - 2017.
Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, cụ thể trong giai đoạn từ 15.8.2017 đến 31.5.2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 130,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 39,28% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỉ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.
Cần hoàn thiện và luật hoá
Dù đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, việc triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn còn gặp một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng), theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42, tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhưng phải đáp ứng các quy định theo Bộ luật Dân sự 2015.
Đồng thời tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Điều này rất khó cho các ngân hàng bởi thực tế Nghị quyết 42 ra đời sau Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, các ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn tại tòa.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng, thời gian qua, nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Các đơn vị cũng đã xử lý được khối lượng khá lớn nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh.
Tuy vậy, theo ông Hùng, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn gặp phải nhiều khó khăn như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, ông Hùng phân tích đến thời điểm này, Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, trong khi nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Theo cập nhật của PV Lao Động, tới đây, Ủy ban Kinh tế sẽ chủ trì tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu. Trước đó, tháng 10.2021, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 42 và đề xuất rà soát, nghiên cứu để luật hóa các quy định của chính sách này.
Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cũng đề xuất cần luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Bởi theo ông Lực, mặc dù thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu, song đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực là ngày 15.8.2017. Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành Ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn.
Xem thêm: odl.5154101-uax-on-yl-ux-auq-ueih-gnat-24-teyuq-ihgn-aoh-taul-mos/et-hnik/nv.gnodoal