Trong vài ngày gần đây, thông tin về Hoàng Anh Gia Lai được nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan tâm. Cụ thể là mới đây thông tin Hoàng Anh Gia Lai (HAG) có nguy cơ bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) được đăng tải trên các kênh truyền thông, lẫn được đồn đại trong các hội nhóm chứng khoán.
Về câu chuyện này tại talkshow Bí mật đồng tiền số 8 với chủ đề "Tự túc có hạnh phúc", BTV Hoàng Nam bình luận rằng Hoàng Anh Gia Lai cũng na ná Vingroup. BTV này cho biết Hoàng Anh Gia Lai bản chất cũng là một ông lớn bất động sản nhưng sau đó chuyển hướng sang làm nông nghiệp. Doanh nghiệp nhiều phen thua lỗ khi giá các mặt hàng nông sản lao dốc. Gần đây chính bầu Đức cũng lên tiếng thừa nhận với truyền thông việc đổi hướng đấy là một sai lầm. Tuy nhiên giờ đây doanh nghiệp này cũng cố gắng gỡ lại sai lầm đó.
Năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai có lãi sau khi có sự tham gia tái cơ cấu của Trường Hải. Tuy nhiên với quy định hồi tố theo Nghị định 155 của Chính phủ, Hoàng Anh Gia Lai rơi vào tình trạng 3 năm liên tục 2018-2020 bị lỗ và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết. Nhiều nhà đầu tư đang tranh cãi không nên hủy niêm yết HAG, đặc biệt là các cổ đông.
“Liệu doanh nghiệp đang hồi sinh như vậy có nên có cơ hội để tiếp tục niêm yết tại HoSE không?”, BTV Hoàng Nam đặt câu hỏi với ông Phạm Lưu Hưng-PGĐ Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc CTCP Chứng khoán SSI.
“Quyết định cuối cùng là của cơ quan quản lý, tôi không quyết định được. Theo quan điểm về nhà đầu tư, tôi nghĩ rằng cứ đúng luật mà làm. Giống như một lần tôi nói rồi, không có chuyện mua hàng kém chất lượng xong trả lại. Khi đầu tư, các bạn đặt cược vào công ty có mức hồi phục nhưng rồi không đúng thì mình phải chấp nhận thua lỗ chứ không thể nào cứ thua lỗ mình bắt cơ quan quản lý trở thành “con tin”. Việc hủy niêm yết nếu mà đúng luật thì cứ thế mà làm”, ông Hưng chia sẻ quan điểm.
Chuyên gia đến từ SSI cũng chỉ rõ thêm hiện mọi người hiểu lầm từ hủy niêm yết. Hủy niêm yết không có nghĩa là không niêm yết nữa mà sẽ đăng ký giao dịch trên sàn Upcom và vẫn giao dịch được bình thường. Vì vậy các cổ đông không mất hết quyền lợi giao dịch.
Nói thêm về giao dịch cổ phiếu HAG thời gian gần đây, trong phiên giao dịch 14/2 có thời điểm trắng bên mua. Thậm chí tại thời 13h30 hôm qua, mã này có tới 16 triệu đơn vị chờ bán - con số kỷ lục.
Sang đến phiên 15/2, HAG tiếp nối đà giảm sàn phiên trước đó, cổ phiếu này sàn ngay đầu phiên xuống 10.750 đồng/cổ phiếu với lượng dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị nhưng lệnh mua chỉ lẻ tẻ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu.
Tuy nhiên, ngay đầu phiên chiều 15/2 tình thế đã đảo ngược. Chỉ trong 5 phút từ khoảng 13h23 - 13h28 phút, hơn 12 triệu cổ phiếu đã được giải cứu chớp nhoáng với những lệnh mua lớn rất nhanh và mạnh lên tới hàng trăm ngàn đơn vị.
Các lệnh mua lớn lên đến 300.000 - 500.000 - 600.000 - 900.000 đơn vị ồ ạt vào giải cứu khiến lượng cổ phiếu dư bán sàn được khớp trong chớp nhoáng. Các lệnh lớn "mồi" kích hoạt dòng tiền mua chủ động khiến cho cổ phiếu HAG ngay sau đó đã bật tăng từ giá sàn lên giá xanh 5% tức 12.300 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên 15/2, thị giá HAG ở mốc 11.650 đồng/cổ phiếu. Theo dữ liệu lịch sử trong 6 tháng qua, mã này đạt thị giá cao nhất là 15.700 đồng/cổ phiếu, ghi nhận trong phiên ngày 17/1.
Tính đến phiên giao dịch chiều 15/2 mã này chưa bị "hủy niêm yết" mà chỉ mới bị chuyển "sang diện kiểm soát từ 28/4/2021 do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2020 âm".
Do lo ngại trước tác động tiêu cực bởi tin đồn cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết, các cổ đông "sở hữu khá nhiều cổ phiếu HAG" của công ty do bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) làm chủ tịch đã gửi đơn kêu cứu.
Mộc An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị