Máy bay chiến đấu F-15EX và Su-35 - Ảnh:MILITARY WATCH
Thương vụ vũ khí trên biến Indonesia trở thành khách hàng thứ 7 của chiến đấu cơ F-15 sau Israel, Nhật Bản, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Singapore và Qatar. Đây là loại máy bay chiến đấu Mỹ xuất khẩu tương đối ít, chủ yếu do chi phí vận hành và yêu cầu bảo dưỡng cao.
Kể từ những năm 1990, Indonesia đã vận hành song song các máy bay chiến đấu hạng nặng và hạng nhẹ. Hiện nay, nước này có một phi đội máy bay chiến đấu hạng nặng Su-27 và Su-30 của Nga cùng với các máy bay F-16 hạng nhẹ hơn của Mỹ.
Theo trang tin quân sự của Mỹ Military Watch, Indonesia dự kiến thay các máy bay chiến đấu của Nga bằng máy bay chiến đấu Su-35S "thế hệ 4 ++" hiện đại hơn. Tuy nhiên Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Đông Nam Á cần mua vũ khí hiệu suất cao của Nga, khiến Jakarta phải thay đổi kế hoạch và mua F-15 của Mỹ.
Mặc dù Indonesia vẫn chưa công bố máy bay F-15 họ mua thuộc loại nào, nhưng chúng được cho là F-15EX.
Su-35 và F-15EX đều dựa trên thiết kế của đối thủ thời Chiến tranh lạnh, trước đây là Su-27 Flanker và sau này là F-15C Eagle. Đây là những máy bay chiến đấu chủ lực của hạm đội Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ đó.
Các phiên bản F-15 mới nhất được hưởng lợi từ hệ thống điện tử hàng không với liên kết dữ liệu và cảm biến cao. Chúng được xem có khả năng hơn Su-35.
Ngược lại, máy bay chiến đấu của Nga có động cơ mạnh hơn đáng kể, khả năng tạo vector lực đẩy ba chiều để cải thiện khả năng cơ động và phạm vi tác chiến. Su-35 cũng được hưởng lợi từ việc sử dụng 3 radar, với 2 radar AESA băng tần L được gắn trong cánh của nó.
Trong khi đó, F-15 chỉ sử dụng một radar AESA duy nhất ở đầu máy bay. Radar AESA được điều khiển bằng máy tính, trong đó chùm sóng vô tuyến có thể được điều hướng điện tử đến các hướng khác nhau mà không cần di chuyển ăngten.
Điều này cung cấp cho máy bay chiến đấu của Nga khả năng tác chiến điện tử độc đáo và có năng lực hoạt động vượt trội trước các mục tiêu tàng hình.
Đối với không quân Indonesia, sự lựa chọn Su-35 sẽ là một sự lựa chọn gần gũi. Vì máy bay này có thể sử dụng phần lớn cơ sở hạ tầng bảo dưỡng và vũ khí trang bị từ Su-27 và Su-30 và yêu cầu đào tạo chuyển đổi ít hơn đáng kể.
Chưa kể đến việc Mỹ cũng đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt về cách sử dụng máy bay chiến đấu của họ, bao gồm cả căn cứ nào có thể chứa chúng. Trong khi Nga cho phép máy bay chiến đấu được sử dụng hầu như không có hạn chế.
Mặt khác, sự chênh lệch giá giữa hai máy bay chiến đấu là rất lớn. F-15 được chào bán với giá 386 triệu USD/chiếc. Trong khi Su-35, nếu được mua với số lượng tương tự, dự kiến có giá khoảng 78 triệu USD tùy thuộc vào các tùy chọn thêm vào. Do vậy, chi phí của F-15 bằng 495% so với Su-35.
Điều này cho thấy sức mạnh mà Mỹ sử dụng với những lời đe dọa trừng phạt kinh tế, đã gây sức ép hiệu quả với Indonesia để nước này từ bỏ Su-35 và chuyển sang một loại máy bay chiến đấu tương đương với giá cao gấp 5 lần.
TTO - Đông Nam Á nổi lên từ thập niên 1980 như một trong những thị trường vũ khí hàng đầu thế giới. Ngân sách quốc phòng khu vực này đang phát triển nhanh chóng với hàng loạt máy bay chiến đấu được tăng cường.