Ngày 16-2, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang có báo cáo gửi Bộ Công thương về tình hình quản lý nhà nước đối với hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Sở này cho biết đã có văn bản phúc đáp không chấp nhận cho ba thương nhân phân phối đề nghị tạm đóng cửa một số cửa hàng trực thuộc và tạm ngưng cung cấp hàng cho các đại lý.
Ba DN bị bác đề nghị là Công ty CP TM Hóa dầu Ressol, Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng Cà công ty TNHH Phúc Lâm Petro Tây Đô.
Lý do mà ba DN này đưa ra để xin tạm đóng cửa một số cửa hàng là: Đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối để cung cấp cho hệ thống.
Trong ba DN bị bác đề nghị xin tạm đóng cửa có công ty TNHH Phúc Lâm Petro Tây Đô. Ảnh: BT
“Sở Công thương kính đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu khác hỗ trợ, chia sẻ nguồn xăng dầu để các DN này vượt qua khó khǎn, nhằm ổn định tình hình thị trường và ổn định tâm lý tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh” - Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Hậu Giang nêu.
Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết trước Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các DN trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, đã kiểm tra 43 DN, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính năm DN với tổng số tiền hơn 281 triệu đồng. Đồng thời, lấy 16 mẫu xăng để kiểm tra chất lượng hàng hóa, kết quả có một mẫu không đạt chất lượng và 15 mẫu đạt chất lượng.
Thời gian trong và sau Tết Nguyên đán, Sở đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra 67 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đoàn ghi nhận đa số các DN thực hiện tốt quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, có niêm yết giá và bán đúng giá quy định, không phát hiện trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hậu Giang tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các cây xăng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BT
Tuy nhiên, đoàn phát hiện có sáu cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, nhưng chỉ có một cửa hàng có văn bản gửi và được Sở Công thương chấp thuận. Năm cửa hàng còn lại hết xǎng dầu do sức mua tăng đột biến và nguồn cung chưa về kịp.
Qua kiểm tra, đoàn đã lập năm biên bản, gồm bốn cửa hàng đóng cửa tạm ngừng kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của Sở Công thương, không có lý do chính đáng và một cửa hàng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ xǎng dầu đang kinh doanh. Đoàn cũng yêu cầu chủ DN mở cửa bán xăng dầu phục vụ người dân theo đúng thời gian đã đăng ký.