Cựu điều tra viên trải lòng
Sau 42 năm, vụ án bà Phan Thị Khanh (SN 1954, ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (cũ, nay là xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận ) bị sát hại, cướp 1,6 lượng vàng vẫn chưa khép lại.
Đáng nói, Trương Đình Khôi - hung thủ thực sự lại thoát tội do vụ án hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Hung thủ được công an công bố vào năm 2022, sau 42 năm vụ án xảy ra.
Một thầy thuốc Nam bị bắt giam oan 5 tháng, khiến bản thân ông khi qua đời vẫn mang trong mình thân phận bị can, con cái ông "không thể ngẩng mặt" lên với chòm xóm. Còn gia đình nạn nhân Khanh - con trai bà dành hàng chục năm gửi đơn thư tới cơ quan công an, đi tìm manh mối kẻ thủ ác.
Thời điểm vụ án xảy ra, ông Nguyễn Sỹ Nam (khi đó 24 tuổi, hiện đã nghỉ hưu) chính là điều tra viên được cử đi Hậu Giang (cũ, nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) kiểm tra nhân thân của Trương Đình Khôi (SN 1956, trú tại thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên - có tên họ khác là Trương Đình Chi, Lê Minh Sơn).
Ông Nam kể trên Tuổi trẻ online, hôm đó, toàn bộ dân ngụ cư được tập hợp để kiểm tra chứng minh thư nhân dân với lý do đăng ký tạm trú. Trong đó có 10 người đến từ xã Tân Minh, nay là xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Việc kiểm tra diễn ra buổi tối, dưới ánh đèn dầu, bởi ban ngày người dân đi làm. Tới lượt Trương Đình Khôi, ông Nam hỏi còn tên gì khác nữa không thì đối tượng trả lời còn có tên là Trương Đình Chi. Điều tra viên Sỹ Nam tạm giữ chứng minh nhân dân của Khôi, dặn hắn và những người còn lại sáng hôm sau lên khai báo để đăng ký tạm trú.
Thế nhưng, sáng hôm sau Khôi đã trốn mất. Theo ông Nam, thời điểm khởi tố ông Võ Tê (người bị bắt giam oan) thì Khôi đều có mặt. Có thể Khôi đã nhận ra ông nên bỏ trốn.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, trong nhật ký điều tra của ông Nam có ghi, vào ngày 6/12/1980 ông lấy được lời khai của một người nói nhìn thấy vàng và tiền của Khôi, trong đó có sợi dây chuyền giống của nạn nhân Khanh.
"Từ trong thâm tâm tôi rất ray rứt với vụ án mạng của bà Khanh. Dù chưa hỏi được Trương Đình Khôi câu nào nhưng tôi thấy có căn cứ hắn chính là thủ phạm giết bà Khanh. Sau này, An (Đỗ Thanh An, con bà Khanh) có đến tìm gặp tôi, khi tôi biết An không dám lấy vợ sinh con, dành cả cuộc đời để đi tìm kẻ giết mẹ mình thì tôi cảm thấy rất ân hận vì sai sót của mình", cựu điều tra viên tâm sự với PV Hoàng Điệp/Tuổi trẻ online.
Ông Nam kể với nguồn trên, sau khi trở về làm báo cáo để xin lệnh bắt Khôi thì việc này không được chấp thuận. Không lâu sau đó, ông bị điều chuyển đi nơi khác.
Đối tượng Khôi (còn có tên là Chi, Sơn) trong thông báo truy tìm của công an trước đó. (Ảnh sử dụng nguồn của Tuổi trẻ)
'Mẹ nạn nhân hỏi con tôi ai giết, tôi luôn ám ảnh'
Trong một lần trả lời tờ Pháp luật TP.HCM khi vụ án chưa tìm ra hung thủ thực sự, ông Nam nói rằng mình đã thiếu trách nhiệm trong vụ án này. Ông đã không thể làm tròn trách nhiệm để trả lại công lý cho bà Võ Thị Hồng (mẹ ruột của nạn nhân Phan Thị Khanh) và con trai bà Khanh.
Ông Nguyễn Sỹ Nam chia sẻ với PV Phương Nam/báo Pháp luật TP.HCM, trong vụ án bà Khanh bị giết, có điều đặc biệt là không ai có thể biết nạn nhân có số vàng lớn giữ trong người ngoài người mẹ. Bởi căn nhà mà họ ở rất tồi tàn, còn nạn nhân Khanh luôn giữ vàng trong người, khi tắm mới tháo ra.
Theo đó, những người có thể biết bà Khanh có vàng chỉ có thể là người thân cận. Trong khi đối tượng Trương Đình Khôi tá túc tại nhà em ruột nạn nhân và ngay bên cạnh nhà nạn nhân.
Về phần người bị oan - ông Võ Tê, ông Nam đã có 2 lần phúc cung ông Tê. Khi đó, ông Tê đều khẳng định bản thân không giết bà Phan Thị Khanh cướp tài sản. Song lời khai của ông Tê không phù hợp với thực tế hiện trường vụ án và vết thương trên thi thể nạn nhân.
"Tôi nợ gia đình An rất nhiều vì trách nhiệm mình không hoàn thành. Lúc bà ngoại An còn sống và dù tôi đã được điều sang điều tra một vụ án khác, có dịp là tôi ghé thăm. Hai bà cháu, một người mẹ mất con, một người con mất mẹ, thương lắm.
Mỗi lần gặp là mẹ nạn nhân cứ hỏi đi hỏi lại câu "Con tôi ai giết?" khiến tôi luôn ám ảnh, thậm chí có lúc nằm mơ còn nghe văng vẳng bên tai câu hỏi của bà", PV Phương Nam thuật lại lời ông Sỹ Nam trên báo Pháp luật TP.HCM.
Được biết, vào thời điểm vụ án xảy ra - ngày 31/7/1980, chính Trương Đình Khôi là người đi báo án với cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Khôi dẫn vợ con rời khỏi địa bàn và không trở lại lần nào.
Ông Huỳnh Cửu Long (ngụ thôn 3, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) là một nhân chứng của vụ án này. Ông kể với báo Tuổi trẻ, chiều muộn hôm đó, có một chiếc xe khách chạy qua nhà ông, người trên xe nói to rằng "lên cứu bà kia bị chồng đánh". Ông tức tốc chạy ra phát hiện nạn nhân Phan Thị Khanh nằm gần quốc lộ và cơ thể có nhiều vết chém.
Ông Long cũng được người dân kể lại tình tiết Trương Đình khôi giàu lên bất thường sau khi vụ án xảy ra.
Theo tờ Dân trí, anh Đỗ Thanh An - con nạn nhân Phan Thị Khanh, đại diện người bị hại yêu cầu bồi thường với số tiền 6,5 tỷ đồng và 1,6 cây vàng bị cướp. Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị anh An có đơn yêu cầu tòa giải quyết theo quy định.
(Tổng hợp)
https://soha.vn/ky-an-42-nam-moi-tim-duoc-hung-thu-con-toi-ai-giet-cau-hoi-am-anh-cuu-dieu-tra-vien-20220216111251586.htmTheo P.V
Doanh nghiệp và Tiếp thị