Trang South China Morning Post cho biết, qua kiểm thử, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Hồng Kông (Trung Quốc) phát hiện 7 trong số 23 mẫu, bao gồm các sản phẩm miến và mì gạo ăn liền, có hàm lượng natri (muối ăn) cao gấp nhiều lần so với con số công bố trong thành phần dinh dưỡng của sản phẩm.
Trong số các mẫu bị phát hiện sai lệch với số liệu ghi trên nhãn mác, có một số sản phẩm mì phở ăn liền của Công ty CP Thực phẩm Bích Chi có trụ sở chính tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.
Cụ thể, một mẫu sản phẩm Hủ Tiếu Bột lọc (Tapioca Rice Sticks) của công ty Bích Chi có hàm lượng natri cao gấp 40 lần công bố. Trong khi nhãn sản phẩm chỉ ra rằng sản phẩm chứa 10 miligram natri trên 100 gram, các cuộc kiểm tra cho thấy hàm lượng thực tế là 400 miligram.
Sản phẩm Vina Phở, cũng của công ty Bích Chi, có hàm lượng natri cao gấp khoảng 30 lần so với công bố. Nhà sản xuất đã ghi trên nhãn sản phẩm là có 10 miligram natri trên 100 gram, nhưng con số thực tế qua kiểm tra là 302 miligram.
Các cuộc kiểm thử do Hội đồng Người tiêu dùng (Consumer Council) của Hồng Kông tiến hành. Theo trang South China Morning Post, hội đồng này đã chuyển các dữ liệu liên quan cho cơ quan an toàn thực phẩm địa phương để tiếp tục xử lý.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị lượng natri hàng ngày dưới 2.000 miligram đối với người lớn.
Ông Lui Wing Cheong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu và Kiểm thử của Hội đồng Người tiêu dùng, cảnh báo hôm 15/2, sự chênh lệch về hàm lượng muối trong thực tế và trên bao bì sản phẩm có thể khiến người tiêu dùng vô tình tiêu thụ nhiều natri hơn khi ăn các sản phẩm ăn liền dạng sợi làm từ gạo, một thực phẩm phổ biến ở Hồng Kông.
Đáp lại, nhà nhập khẩu các sản phẩm của Bích Chi cho biết, sự khác biệt về nhãn mác là do sự khác biệt giữa sản phẩm cho xuất khẩu và sản phẩm cho tiêu thụ nội địa. Thông tin trên bao bì cũng không được cập nhật kịp thời, dẫn đến chênh lệch giá trị dinh dưỡng.
Đơn vị nhập khẩu này cho biết, họ sẽ chú ý hơn và yêu cầu nhà sản xuất kiểm tra các giá trị một cách thường xuyên.
Hơn 70% trong số 23 mẫu được phát hiện có sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng công bố trên nhãn và trên thực tế, và không tuân thủ các quy định của cơ quan an toàn thực phẩm Hồng Kông, mặc dù Hội đồng Người tiêu dùng cho biết sự khác biệt đối với chất béo, đường và protein là không cao.
Minh Đức