3 luật sư (bên trái) chất vấn bị cáo Lê tại phiên tòa chiều 16-2 - Ảnh: BỬU ĐẤU
4 bị cáo khác gồm: Phạm Thanh Sang (40 tuổi), Hồ Tuấn Linh (41 tuổi), Nguyễn Văn Lê (38 tuổi), Nguyễn Văn Minh (31 tuổi). Các bị cáo đều ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Sử dụng người làm công vận chuyển
Mười Tường đã thuê 3 luật sư bào chữa tại phiên tòa. Đây là phiên tòa xét xử "trùm buôn lậu" nổi tiếng nhất miền Tây Nam bộ. Lực lượng Công an tỉnh An Giang đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ phiên tòa, đồng thời sử dụng thiết bị phá sóng điện thoại trong suốt quá trình xét xử vụ án.
Theo cáo trạng, khoảng 9h20 ngày 24-6-2019, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang tuần tra tại khu vực vành đai biên giới rạch Chắc Ri, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc thì phát hiện 4 người đi trên vỏ lãi chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam, có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng để kiểm tra.
Thấy lực lượng chức năng, nhóm này đã chạy vỏ lãi vào bờ rồi chạy về phía Campuchia. Một người trong nhóm đã ném lại 1 túi nylon, bên trong có 470.000 USD (tương đương gần 11 tỉ đồng). Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý hành chính và tạm giữ toàn bộ tang vật.
Đến ngày 6 và 9-7-2021, Sang, Linh ra đầu thú. Còn Lê và Minh đã bị bắt, điều tra trong vụ án buôn lậu 51kg vàng 9999 mà lực lượng Công an tỉnh An Giang đã bắt giữ vào ngày 30-10-2020. Lê và Minh còn tự thú trước đó có tham gia vận chuyển 470.000 USD cùng với Sang và Linh.
Bị cáo Sang (đứng) khẳng định tại phiên tòa vụ vận chuyển 470.000 USD do trùm buôn lậu Mười Tường chỉ đạo - Ảnh: BỬU ĐẤU
Qua điều tra, 4 bị cáo khai nhận thường tham gia vận chuyển hàng hóa, tiền tệ cho Mười Tường từ Campuchia về Việt Nam và được trả tiền công từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Ngày 24-6-2019, Mười Tường đã chỉ đạo Sang cùng Minh, Linh, Lê qua Campuchia nhận tiền 470.000 USD, vận chuyển về Việt Nam thì bị phát hiện. Riêng "trùm buôn lậu" Mười Tường không thừa nhận hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai các bị cáo khác và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định bị cáo Hạnh là người chỉ đạo bị Sang, Linh, Lê, Minh vận chuyển trái phép số USD trên về Việt Nam.
Hội đồng xét xử hỏi 4 bị cáo trước sự chứng kiến của trùm buôn lậu Mười Tường nhưng bà trùm phủ nhận không còn liên lạc với Sang, còn các bị cáo kia vu khống - Video: BỬU ĐẤU
Tại phiên tòa, bị cáo Sang khai nhận, vào thời gian trên "trùm buôn lậu" Mười Tường đã gọi điện thoại trực tiếp cho Sang kêu 3 người khác đi sang Campuchia để lấy hàng.
"Cả 4 anh em tập trung tại kho đường phèn Hạnh Phát (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang), đi vỏ lãi lên Campuchia chừng 8km, mất hết 30 phút. Tới nơi thì có vỏ lãi chờ sẵn, họ ném bọc nylon màu đen qua rồi chúng tôi về thì bị phát hiện. Nếu trót lọt như thường lệ, tôi sẽ mang vào "phòng cho bà Mười" chứ không gặp trực tiếp bà ấy", Sang nói tại tòa.
"Trùm buôn lậu" phủ nhận không quen
Tuy nhiên, dù cả 4 bị cáo và cả người làm thuê cho Mười Tường đều khai nhận có lần đưa tiền công cho 4 người, này nhưng "trùm buôn lậu" Mười Tường lại phủ nhận tất cả. Bà cho rằng, từ 2-3 năm nay, bà đã không liên lạc với Sang, do Sang nghiện cờ bạc và mâu thuẫn với lính của bà.
Bà thừa nhận trong số 4 người này có Minh và Lê là người làm thuê cho kho đường phèn Hạnh Phát và chăm sóc cây xanh cho bà.
"Minh và Lê làm thuê cho tôi, còn họ đi ở đâu là quyền của họ. Có thể họ thấy làm cho tôi lương thấp nên đi làm gì đó. Tôi hoàn toàn không biết số tiền 470.000 USD đó. Đây không phải là số tiền nhỏ, họ vu khống tôi", bà Mười Tường nói.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) khẳng định bị các bị cáo vu khống - Ảnh: BỬU ĐẤU
Hội đồng xét xử đặt vấn đề: "Nếu bị cáo cho rằng Sang mâu thuẫn nên vu khống có lẽ đúng, nhưng bây giờ 4 người và cả người giúp việc của bị cáo cũng nói do bị cáo chỉ đạo. Hơn nữa, những người này làm công làm gì có số tiền gần 11 tỉ đồng để mua 470.000 USD về Việt Nam?".
Bị cáo Hạnh đáp: "Bây giờ ai cũng vu khống tôi. Tôi không bao giờ chỉ đạo Sang lấy 470.000 USD, còn bị cáo Lê thì "không được bình thường" nên tôi không trách. Bữa đó, tôi có nghe những người Campuchia xuống cự cãi với Sang là họ nói đã đưa 500.000 USD chứ không phải 470.000 USD như báo chí đưa tin mà tôi cũng im ru. Vì từ lâu rồi tôi không nói chuyện hay liên lạc với Sang nữa".
Ngày mai, TAND tỉnh An Giang bước vào ngày xét xử thứ 2 và tranh luận, luận tội đối với "trùm buôn lậu" Mười Tường và các đồng phạm.
TTO - Ngày 16-2, TAND tỉnh An Giang tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án 'vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới' liên quan 470.000 USD của bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, 53 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) và 4 đồng phạm.