Trong bối cảnh giá nhiên liệu ngày càng tăng, nguồn cung xăng, dầu trong nước vẫn còn phụ thuộc vào thị trường thế giới đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp linh hoạt, chủ động trước những biến động của thị trường, bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng trong mọi tình huống. Chia sẻ với báo chí xung quanh công tác cung ứng và điều hành thị trường xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, liên Bộ Công Thương - Tài chính luôn cân nhắc, bám sát nguyên tắc điều hành hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người dân.
PV: Xin ông cho biết tình hình nhập khẩu, cung ứng xăng dầu hiện nay đã được khắc phục như thế nào, khả năng đáp ứng nhu cầu ra sao trong thời gian tới?
Ông Trần Duy Đông: Phải khẳng định là hiện nay tình hình cung ứng xăng dầu có tốt hơn so với cách đây 1 tuần. Tuy nhiên, việc thiếu hụt cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục triệt để, khi Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn chiếm 35% nguồn cung xăng dầu trong nước, nhưng nay mới vận hành 55% công suất. Cùng với đó, xăng dầu nhập khẩu vẫn chưa được bổ sung kịp thời nên một số cửa hàng, một số thương nhân, một số nơi có thể thiếu hàng cục bộ.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Trong khi đó, diễn biến về địa chính trị, diễn biến về giá vẫn tiếp tục đang cực kỳ phức tạp. Giá dầu thế giới đang có biến động mạnh cũng ảnh hưởng ngay tới xu hướng giá trong nước kỳ sắp tới. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhập khẩu, điển hình như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã liên tục ký kết hợp đồng và tàu về liên tục thời gian gần đây. Như vậy, tình hình cung ứng xăng dầu trong vài ngày tới sẽ tốt hơn khi lượng xăng dầu nhập khẩu theo hợp đồng sẽ về nhiều hơn, áp lực cho các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu sẽ giảm xuống.
PV: Việc kiểm tra hiện tượng các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa những ngày trước đây đã có kết quả ra sao, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông: Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý rất nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu như thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ nếu có hành vi “găm hàng” không muốn bán ra, chờ tăng giá. Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt tất cả các tuyến. Ở cấp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký thành lập 3 đoàn kiểm tra để xuống các địa phương kiểm tra.
Ở cấp địa phương, Bộ trưởng cũng vừa ký công văn gửi UBND các tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương làm tốt công tác này, đồng thời phối hợp với các lực lượng như Công an, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 địa phương làm tốt công tác kiểm tra, giám sát.
Nguyên tắc chung của Bộ Công Thương là yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định về dự trữ, bán hàng, không có hiện tượng “găm hàng” hay hạn chế bán ra ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trong kỳ điều hành vừa qua Liên Bộ đã không linh hoạt trong công tác điều hành, phản ứng chậm khi giá xăng dầu thế giới tăng cao để xảy ra tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Duy Đông: Quan điểm của cơ quan điều hành trước hết phải điều hành giá bám vào các quy định của pháp luật hiện hành. Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu đã rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 15 ngày/lần xuống 10 ngày/lần để bám sát hơn với giá thế giới.
Tại Nghị định 95 cũng có điều khoản là nếu giá xăng dầu ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế-xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hành sớm hơn. Tuy nhiên, Chính phủ và cơ quan điều hành bao giờ cũng phải tính toán tới mục tiêu bình ổn giá. Với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần, Liên Bộ Công Thương-Tài chính tính toán cũng phù hợp với tập quán kinh doanh, chu kỳ hàng hoá của các doanh nghiệp, chu kỳ để tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như đủ thời gian để cho cơ quan quản lý nhà nước cập nhật dữ liệu.
Chính phủ, cơ quan điều hành giá xăng dầu đã cân nhắc rất nhiều chiều, nhiều yếu tố, đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI, tránh tạo ra tiền lệ, tránh để bản thân doanh nghiệp sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để chỉ có lợi cho doanh nghiệp.
PV: Giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng và duy trì trong thời gian tới khiến Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu khó đảm đương nhiệm vụ bình ổn, Liên Bộ sẽ điều hành giá xăng dầu trong nước ra sao, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông: Bộ Công Thương đã tính các phương án, hài hoà sử dụng Quỹ BOG. Tính tổng thể Quỹ BOG có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp dương. Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá quá cao, quá phức tạp, ví dụ giả sử giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả kinh tế thế giới thì chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế lên trên, nếu giá xăng dầu quá cao sẽ tác động làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế. Ở bối cảnh công cụ Quỹ BOG có hạn, Bộ Công Thương kiên trì quan điểm phải sử dụng công cụ thuế, phí.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo Nguyễn Quỳnh
VOV
Xem thêm: nhc.55651930261202202-ihp-euht-uc-gnoc-gnud-us-taux-ed-es-oac-auq-gnat-uad-gnax-aig-uen/nv.zibefac