Tỉnh Tiền Giang đang tiến hành đắp các đập tạm để ứng phó với hạn mặn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Trong khi đó, "siêu cống" Cái Lớn, Cái Bé đã vận hành và cho thấy hiệu quả tốt trong việc kiểm soát nguồn nước.
Chủ động "đón" mặn
Tại vùng ven biển như An Minh, An Biên (Kiên Giang), độ mặn đã khá cao từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Bà Nguyễn Thị Mận, ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A (huyện An Biên), cho biết qua đầu tháng 1-2022 nồng độ mặn ở các kênh, sông địa phương đạt ngưỡng 10‰. Nồng độ mặn này phù hợp để người dân lấy nước thả tôm quản canh phát triển kinh tế gia đình.
"Mặn năm nay cũng giống như mọi năm. Cách đây ít ngày, ở khu vực gần biển, mặn đã lên 14 - 15‰. Tuy nhiên, nhờ chủ động nên năm nay tôi thả xong 1ha tôm. Cuối vụ tôm này tôi cũng kỳ vọng thu hoạch trúng mùa để cuộc sống gia đình thêm ổn định" - bà Mận kỳ vọng.
Ông Trang Minh Tú, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện An Biên, cho biết từ giữa năm 2021 địa phương đã chủ động ứng phó như kiểm tra, vận hành, gia cố hết các cống đập và đê bao để ngăn mặn, trữ ngọt cho bà con sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, hiện tại hầu hết diện tích lúa ở An Biên cơ bản bà con đã thu hoạch dứt điểm, tôm thì bà con cũng thả đúng thời vụ. Ở ven biển, chịu ảnh hưởng mặn nhiều thì địa phương đã đề xuất với Trung tâm Nước sạch tỉnh Kiên Giang hỗ trợ bình đựng nước cho bà con sinh hoạt.
Tại Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết hiện đang là đỉnh điểm mùa khô. Tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 tương đương mùa khô các năm 2020 và 2021.
"Hiện toàn bộ 40.000ha lúa đông xuân vùng nhạy cảm thuộc dự án Long Phú - Tiếp Nhựt (hai huyện Long Phú và Trần Đề, Sóc Trăng) đã an toàn, bà con thu hoạch lúa xong. Đến nay, kênh rạch trong vùng này vẫn còn nước ngọt, ghe tàu vẫn lưu thông để vận chuyển lúa và nông sản. Có đủ nước ngọt, bà con vùng này có thể trồng màu trong mùa khô", ông Đạo thông tin.
Ngoài điều tiết và vận hành cống thủy lợi hợp lý, Sóc Trăng còn đầu tư trạm bơm Bà Xẫm, đầu tư nâng cấp cống Ngăn Rô và sửa chữa cống Cái Oanh thuộc vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhựt.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, trong tháng 2-2022 độ mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào trong các kênh rạch trên địa bàn tỉnh. Dự báo độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại Trần Đề ở mức 19,8‰, tại Long Phú 14,1‰, tại Đại Ngãi 7,1‰. Còn trên sông Mỹ Thanh tại Thạnh Thới Thuận đạt mức khá cao (gần 16‰), tại TP Sóc Trăng là 3,1‰; đồng thời khuyến cáo nông dân theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn để có có kế hoạch sử dụng nước an toàn, hiệu quả.
Có thể đưa giếng khoan vào sử dụng
Tương tự các tỉnh phía tây Sông Hậu, khu vực tỉnh Tiền Giang cũng đang vào thời điểm mặn xâm nhập sâu. Ông Ưng Hồng Nghi - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang - cho biết hiện nay độ mặn 0,4g/lít trên sông Tiền đã lấn sâu vào đến TP Mỹ Tho, cách cửa sông 53km.
Dọc theo sông Tiền lên phía thượng nguồn thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang thi công đập thép với kinh phí hơn 10 tỉ đồng để ngăn mặn, trữ nước ngọt cho 1,1 triệu dân cùng 128.000ha sản xuất nông nghiệp. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết đập dự kiến hoàn thành trước ngày 25-2, ngăn mặn và đảm bảo nước ngọt cho người dân Tiền Giang và Long An.
Ông Nghi cho biết thêm nếu tình trạng nước mặn xâm nhập căng thẳng thì sẽ đề xuất với UBND tỉnh Tiền Giang đưa vào sử dụng 17 giếng khoan đã có sẵn.
Trong khi đó, theo Đài khí tượng thủy văn Bến Tre, từ ngày 15 đến 22-2 trên sông Cửa Đại nước mặn xâm nhập tăng dần. Độ mặn 1g/l có thể lấn sâu 53km vào đến xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Còn trên sông Hàm Luông, nước mặn 1g/lít có thể lấn sâu đến 66km, trên sông Cổ Chiên độ mặn tương tự sẽ lấn sâu 65km.
Ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng như hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre, công trình cống đập Ba Lai, hồ chứa nước Kênh Lấp (huyện Ba Tri) và nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn... Bước đầu, các công trình đã phát huy hiệu quả với tổng diện tích khoảng 194.800ha đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.
"Siêu cống" Cái Lớn, Cái Bé vận hành hiệu quả
Lãnh đạo Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết cống Cái Lớn, Cái Bé đã được vận hành từ trước Tết Nguyên đán 2022 để kiểm soát mặn. Đến nay cho thấy việc vận hành công trình này đảm bảo ổn định nguồn nước cho các hệ sinh thái mặn, mặn - lợ và ngọt theo trung bình nhiều năm.
Hậu Giang sẽ đóng cống ngăn mặn khi mặn đạt 1,5‰
Theo dự báo, trong mùa khô 2021 - 2022, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 100.000ha lúa và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và TP Ngã Bảy có nguy cơ hạn. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 50.000ha lúa và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh có nguy cơ bị xâm nhập mặn.
Trong đó, vùng có khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt cho người dân chủ yếu ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Ngành nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị vận hành cống ngăn mặn khi mặn xuất hiện ngoài sông với nồng độ 1,5‰.
LÊ DÂN
TTO - Những ngày cận Tết Nguyên đán 2022 cũng là thời điểm mặn bắt đầu xâm nhập, các tỉnh ĐBSCL đã lên kịch bản ứng phó.
Xem thêm: mth.80440018071202202-nam-nah-ohp-gnu-gnas-nas-yat-neim/nv.ertiout