Craig và Carrie Clickner là hai doanh nhân khởi nghiệp người Mỹ, đồng tác giả cuốn sách về làm thêm "So You Want to Start a Side Hustle: Build a Business that Empowers You to Live Your Life, Your Way". Họ hiện có 8 nguồn thu nhập, từ các hoạt động trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, viết sách, diễn thuyết, đào tạo, cho thuê nhà đến đầu tư chứng khoán.
Trên CNBC, Craig và Carrie đã chia sẻ những sai lầm họ rút ra được trong quá trình khởi nghiệp.
Như mọi cặp vợ chồng khác, một trong những điều tuyệt vời nhất khi làm việc tự do là thoát khỏi giờ hành chính. Chúng tôi đều đã nghỉ việc ở công ty cách đây vài năm. Hiện tại, chúng tôi có thể tập trung vào những thứ thực sự quan trọng với mình, như dành thời gian cho con cái, đi du lịch và làm từ thiện.
Trước khi gặp nhau, cả Craig và tôi đều có vài việc làm thêm, bên cạnh việc chính trong ngành tài chính và giáo dục. Sau đó, chúng tôi cùng mở công ty đầu tiên năm 2006, nhập hai việc làm thêm thành một, tạo ra công ty tư vấn Tandem Consulting. Hiện tại, Tandem đạt doanh thu 3 triệu USD mỗi năm.
Chúng tôi muốn nói với mọi người rằng thành công tài chính của chúng tôi đều xuất phát từ việc làm thêm. Số tiền kiếm được từ Tandem, cộng với tiền tiết kiệm và tiền từ các việc làm thêm trước, cho phép chúng tôi mở rộng và làm nhiều dự án khác. Trong đó có một công ty tư vấn bất động sản và một tổ chức phi lợi nhuận có tên Tandem Giving.
Tổng cộng, chúng tôi có 8 nguồn thu nhập, mang về hàng triệu USD mỗi năm. Hai trong số đó là thu nhập thụ động từ các bất động sản cho thuê tại Wisconsin.
Rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ, thường hỏi chúng tôi nên biết những gì trước khi biến việc làm thêm thành việc làm toàn thời gian. Dưới đây là 5 sai lầm chúng tôi học được trong quá trình này.
Quản lý thời gian và công việc kém hiệu quả
Trong giai đoạn đầu, chúng tôi đã không lường trước được sự bận rộn khi làm cùng lúc nhiều việc. Và vì coi việc làm thêm chỉ là phụ, chúng tôi rất chật vật trong việc quản lý thời gian hiệu quả. Cuối cùng, chúng tôi nhận ra cách hữu hiệu nhất để tăng năng suất là tự động hóa một số công việc và tuyển thêm người hỗ trợ.
Khi quyết định liệu việc này cần bạn đích thân làm hay có thể nhờ người khác, hãy tự hỏi những câu sau?
- Liệu chúng có quan trọng với bạn, với việc làm thêm hay giá trị của bạn không? Nếu không thì có bỏ qua được không?
- Nếu có thì có thể thuê người không?
- Nếu không thuê được, làm thế nào hoàn thành nó một cách hợp lý nhất? Hạn chót là bao giờ?
- Trong khi đang làm, bạn có thể bỏ, tự động hóa hoặc thuê người làm tiếp không?
Nhầm lẫn doanh thu với lợi nhuận
Điều này nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng là sự thật. Chúng tôi biết nhiều người từng lên kế hoạch dạy online. Họ tính toán rằng nếu có 20 khách hàng, tính phí mỗi người 4.000 USD một năm, họ sẽ lãi 80.000 USD.
Điều này sai hoàn toàn. Bạn phải nghĩ mình sẽ tìm những khách hàng đó bằng cách nào nữa chứ? Bạn có định lập website không? Bạn đã tính đến chi phí mở và duy trì website chưa? Bạn có định làm marketing, hay đi công tác không? Bạn có cần chứng chỉ nào đó không? Ai sẽ lo liệu sổ sách, kế toán, hợp đồng? Nếu khách hàng bùng tiền thì sao?
Với mọi mô hình kinh doanh, chúng tôi đều lên kế hoạch đầy đủ như vậy. Doanh thu không hề giống lợi nhuận. Và 80.000 USD đó dĩ nhiên chẳng phải số tiền cuối cùng bạn có thể cầm về nhà.
Tái đầu tư lợi nhuận để tạo ra nhiều doanh thu hơn nữa
Một khi đã tạo ra "đủ" doanh thu, bạn không cần tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận để tạo thêm doanh thu nữa. Ví dụ, bạn làm thêm trong ngành xây dựng, sau đó biến nó thành việc chính và thu về 600.000 USD mỗi năm, lợi nhuận 130.000 USD, giả sử bạn không nhận lương.
Sau đó, bạn mất 1-2 năm để củng cố việc làm ăn, tệp khách hàng, trả hết nợ (nếu có), chuyển giao kỹ năng cho nhân viên. Sau đó, hãy chọn người thay thế để điều hành công ty với 60.000 USD và giữ 70.000 USD cho bản thân, chứ không cần tái đầu tư nữa.
Nếu bạn là người có lối sống giản dị và quản lý tài chính tốt, bạn có thể sống thoải mái với số tiền đó. Theo thời gian, bạn còn có thể tiết kiệm và đầu tư. Và cuối cùng, đến một lúc nào đó, bạn có thể bán công ty này đi.
Định giá quá cao ngay từ đầu và không nâng giá khi đã có thương hiệu
Khi việc kinh doanh của bạn thành công, khách hàng sẽ trả tiền cho giá trị họ cảm nhận được. Thường thì, với những đồ có giá rẻ, mọi người cũng sẽ đánh giá thấp.
Đừng sợ điều chỉnh giá định kỳ. Với lạm phát và môi trường bên ngoài luôn thay đổi, bạn cũng nên thay đổi chính sách giá.
Mang tâm lý của một nhân viên
Những người làm thêm thường thiếu quan điểm cốt lõi của người làm chủ, do phần lớn đều đi lên từ nhân viên. Chúng tôi cho rằng dưới đây là những thay đổi bạn cần thực hiện:
- Chuyển từ sự dễ đoán và ổn định sang linh hoạt: Khi bạn làm việc 2 tuần và được trả lương cho 2 tuần đó, mọi việc rất dễ đoán. Bạn có lương, có phúc lợi và lịch làm việc. Nhưng khi khởi nghiệp, bạn có thể chẳng có lịch trình gì suốt nhiều năm và cũng không được nhận đồng lương xứng đáng đâu.
- Từ việc trở thành người thông minh nhất chuyển sang tìm người thông minh hơn: Nhân viên thường nỗ lực trở thành người thông minh nhất trong phòng, coi những người thông minh hơn là đối thủ. Nhưng khi khởi nghiệp, bạn sẽ phải tìm những người thông minh hơn mình.
- Từ việc được chỉ bảo chuyển sang tự rèn luyện: Khi được hỏi có lời nào để động viên các doanh nhân khởi nghiệp, Elon Musk đã trả lời: "Nếu anh cần động viên thì đừng làm". Khi khởi nghiệp, bạn sẽ chẳng có ai quản lý, chỉ bảo nữa đâu.
Hà Thu (theo CNBC)