Khánh Hòa - Niên vụ này, giá mía nông dân trồng được công ty mía đường thu mua với mức giá cao nhất trong so với các năm trở lại đây. Tuy giá cao nhưng niềm vui của nông dân trồng mía chưa trọn vẹn bởi áp lực lãi suất ngân hàng, chi phí sản xuất tăng. Từ thực tế này, đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp cần có sự thay đổi để tồn tại…
Mía ngọt nhưng… không đều
Trải qua hơn 4 năm liên tục thua lỗ, niên vụ mía năm nay, gia đình ông Phan Dũng - thôn Bắc, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa mới cảm nhận được vị ngọt khi mía được công ty mía đường thu mua với giá cao nhất trong các năm trở lại đây.
Theo lời ông Dũng, trừ các chi phí sản xuất, thuê nhân công vận chuyển mía lên xe, gia đình ông chốt lãi hơn 20 triệu đồng/1 ha mía. Với số tiền 20 triệu đồng tuy không lớn nhưng cũng đủ cho gia đình ông Dũng tằn tiện chi tiêu sau một niên vụ mía vất vả.
Không chỉ riêng ông Dũng, tại các vùng trồng mía trọng điểm ở thị xã Ninh Hòa như Ninh Xuân, Ninh Tây, Ninh Sim, nông dân đa phần phấn khởi bởi giá mía được công ty thu mua cao, giá giao động từ 980-1 triệu đồng/tấn. Trừ các chi phí, trung bình nông dân thị xã Ninh Hòa thu nhập từ 15-30 triệu đồng/ tấn mía tùy năng suất.
Vui mừng là vậy nhưng có không ít nông dân lo lắng trước áp lực chi phí sản xuất mía tăng cao. Như trường hợp gia đình ông Đặng Văn Huy trồng hơn 30ha mía ở thôn Bắc, xã Ninh Tây với chí phí đầu tư khoảng 800 triệu đồng.
Trung bình năm nay 1ha mía ông huy thu hoạch khoảng 70 tấn, trừ các chi phí sản xuất, ông Huy có lãi từ 10-15 triệu đồng/ha mía. Theo lời ông Huy, giá phân bón năm nay lên cao cùng với thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển mía đã làm giảm lãi của nông dân.
Cũng theo lời ông Huy, nông dân trồng mía thông thường phải đến niên vụ thứ 2, 3 mới có thể thu lãi. Trong thời gian đầu, nông dân đối với mặt thua lỗ, áp lực lãi suất vay vốn ngân hàng, chi phí sản xuất phân bón, vận chuyển. Cùng với đó, đa phần nông dân vẫn duy trì cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bài bản, từ đó giảm chất lượng cây mía bán ra.
Để bám nghề, nông dân trồng mía không còn cách nào khác ngoài phương án thuê đất để trồng tập trung. Cùng với đó, người nông dân cần áp dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc, trang thiết bị trồng trọt, thu hoạch.
Nông dân cần thay đổi để tồn tại
Vào những năm 2013, 2014, xã Ninh Tân là một trong số ít địa phương ở thị xã Ninh Hòa có diện tích trồng mía trên 2.000ha mía. Sau thời hoàng kim, giờ đây địa phương này chỉ còn chưa đầy 300ha mía và con số này có khả năng giảm thêm trong các năm tới.
Ông Võ Ngọc Phi Vũ - Chủ tịch xã Ninh Tân chia sẻ, nếu như trước đây đi dọc tuyến tỉnh lộ 5 đoạn qua địa bàn xã, đâu đâu cũng là những cánh đồng mía xanh mướt thì nay bà còn đã chuyển đổi dần sang các loại cây trồng khác. Vừa qua khi cơn sốt bất động sản đi qua, không ít nông dân có xu hướng bán đất nương rẫy để thu tiền...
Ông Vũ cho biết, tuy có giai đoạn trồi sụt nhưng không ít nông dân vẫn quyết bám trụ với cây mía. Như trường hợp nông dân Đặng Văn Huy đã bỏ tiền ra thuê lại hàng chục ha đất của nông dân để trồng mía diện tích lớn. Cũng có không ít nông dân đầu tư bài bản bằng công nghệ hiện đại về cây mía. Từ thu nhập cây mía, người nông dân lấy vốn đầu tư trồng keo theo hướng lấy ngắn nuôi dài.
Ông Biện Tuấn An – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa – hiện tổng hơn 5.000ha trên toàn địa bàn thị xã Ninh Hòa, năng suất hiện tại đã thu hoạch trung bình 60 tấn/ha. Năm nay tổng chi phí mà công ty mua mía của nông dân hơn 1,1 triệu đồng/tấn.
Ông Biện Tuấn An cũng thừa nhận có tình trạng giảm diện tích mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa. Nguyên nhân là do có một phần lớn diện tích đất ở Ninh Hòa hiện nằm quy hoạch các dự án lớn, từ đó khiến người nông dân có tâm lý chờ đợi để bán đất.
Để hỗ trợ nông dân, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa đã hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu cho nông dân 4,8 triệu/ha gồm chi phí giống, phân bón vi chi, các chế phẩm; ban hành chính sách cam kết giá thu mua mía, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng mía như sử dụng máy bay không người lái vào việc phun chế phẩm; sử dụng máy thu hoạch liên hợp mía thu hoạch…
Xem thêm: odl.8994101-ol-auv-gnum-auv-aoh-hnahk-nad-gnon-cul-yk-oac-aim-aig/et-hnik/nv.gnodoal