Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Ngày 17-2, truyền thông Campuchia dẫn lời Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cho biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 khi ông đến Campuchia dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra ở Campuchia vào ngày 17-2.
"Tôi mong ông Sơn phục hồi nhanh chóng", báo Khmer Times dẫn lời ông Sokhonn nói.
Trả lời về thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đoàn Việt Nam đã tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Phnom Penh.
Trong thời gian tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các đại biểu trong đoàn thực hiện nghiêm túc các quy định về y tế cũng như phòng chống dịch bệnh của Campuchia.
Sau khi hội nghị kết thúc, bộ trưởng sẽ trở về nước và cách ly y tế theo quy định. Hiện nay sức khỏe của bộ trưởng ổn định, bà Hằng thông tin.
Trong thời gian tham dự hội nghị, đại diện Việt Nam đã phát biểu và tham gia thảo luận về các chương trình nghị sự về các trọng tâm ưu tiên và định hướng hợp tác của ASEAN trong năm 2022 cũng như một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm như Biển Đông và Myanmar.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, về Biển Đông, các bộ trưởng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp trên thực địa, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực cũng như làm phương hại môi trường biển.
Các bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, trong đó có thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đạt được Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Về vấn đề Myanmar, các bộ trưởng nhất trí ASEAN tiếp tục nỗ lực hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp khả thi, bền vững cho khủng hoảng hiện nay thông qua thực hiện Đồng thuận 5 điểm, nhất là cần đạt tiến triển thực chất trong công tác của đặc phái viên và tiếp tục hỗ trợ nhân đạo của ASEAN cho người dân Myanmar.
TTO - Những thông điệp, đề xuất của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại các phiên họp của Liên Hiệp Quốc được nhiều lãnh đạo thế giới chia sẻ, đánh giá cao và hưởng ứng tích cực.