Thông tin trên đã được ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đưa ra tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" được Báo Người Lao Động tổ chức sáng 17-2.
Chậm chân sẽ mất cơ hội
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết: "Với đề án Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế, tôi đã đi cùng để nghiên cứu suốt 20 năm và đau đáu với mong muốn xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đột phá nhưng đột phá cỡ nào? Trong đề án đã tính toán, đề xuất mở cửa thị trường ở 3 mức độ: thấp, trung bình và cao nhưng đối với Việt Nam cần tính toán rất nhiều".
Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển TP.HCM, cho rằng: Đối với Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, điều quan tâm, lo lắng nhất là làm sao có cơ chế chính sách để đón "đại bàng", làm cho những "đại bàng" đó tin tưởng đầu tư vào TP thay vì các thị trường khác.
"Để làm được, chúng ta phải có cơ chế ưu đãi mạnh mẽ, đặc biệt là sự ưu đãi đối với các hoạt động dịch vụ và hoạt động tài chính… Có như vậy trung tâm tài chính của chúng ta sẽ sớm trở thành hiện thực", ông Ngân nhấn mạnh.
Đóng góp quan điểm của mình theo hướng tới mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, TS Cấn Văn Lực chia sẻ: "Đến tận thời điểm này vẫn còn có nhiều hình dung khác nhau về trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM. Do đó, cần thống nhất hình hài trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ như thế nào, rồi mới tính đến các bước tiếp theo?"
Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhấn mạnh: "Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM đang là một thách thức vô cùng lớn vì chúng ta đang có khoảng cách với thế giới quá xa về mức độ hội nhập, những tiêu chuẩn thông lệ, quy mô thị trường tài chính…
Theo ông, có nhiều vấn đề lớn nhất về cách tiếp cận xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM: Thứ nhất, cần có thể chế đột phá để trung tâm này có thể cạnh tranh với các trung tâm quốc tế và trở thành 1 điểm đến để các nhà đầu tư lựa chọn.
Thứ hai, lựa chọn mô hình trung tâm tài chính mới chứ không phải theo cách truyền thống. Thứ ba, cần làm rõ các điều kiện, lợi ích, trách nhiệm và cam kết nghĩa vụ của các nhà đầu tư….
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Để thu hút nguồn lực cho thành phố, chúng ta cần chạy đua với thế giới.
Tiền sẽ "chảy" về trung tâm tài chính?
Từ góc nhìn của một doanh nhân, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho rằng việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM là cần thiết và cần thúc đẩy việc này càng sớm càng tốt. Chúng ta cần phải chớp cơ hội, bởi thời gian là vàng.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: Từ năm 2016, đề án về một trung tâm tài chính quốc tế đã được đề xuất. Bản thân chúng tôi đã làm việc suốt 6 năm qua và hiện đã có kế hoạch, lộ trình về việc cần có một trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng.
"Đơn hàng nghiên cứu đề án này cũng được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu. Đề án của chúng tôi sẽ được các bộ, ngành góp ý, nhà tư vấn Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ và có tính khả thi rất cao.
Nếu được thông qua, phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỉ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỉ USD ở Đà Nẵng và 6 tỉ USD ở TP.HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Đặc biệt, sau khi xong hoàn toàn đề án, chúng tôi sẽ bàn giao cho TP.HCM và kết hợp với những đề án mà thành phố đã nghiên cứu, để tiến hành đầu thầu công khai, minh bạch trước khi triển khai", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ngoài 10 tỉ USD mà các nhà đầu tư Mỹ cam kết bằng văn bản thì phía Mỹ đã có những quyết định quan trọng đó là xác định xây dựng sáu trung tâm nổi tiếng thế giới là Disneyland, Marvel, Universal, Sea World, Knotts và SixFlags tại Việt Nam.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, nếu các nhà đầu tư Mỹ đưa Disney vào TP.HCM, ước tính sẽ thu hút khoảng 25 triệu khách du lịch. Nếu đưa Universal đặt tại Hà Nội cũng sẽ có thể 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) thì cũng có “kéo” được 20 triệu du khách mỗi năm. Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm vào hoạt động thì chúng ta đã có đến 70 triệu khách du lịch.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn thông tin thêm: Theo khảo sát số liệu thực tế cho thấy khi Disneyland đặt tại Hồng Kông, đã thu về 1,4 tỉ USD sau 10 năm, qua đó giúp GDP tăng thêm 6%. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn nếu như TP.HCM đưa vào quy hoạch để có được một khu giải trí Disneyland.
"Phía Mỹ đã gởi email cho chúng tôi và chúng tôi đã chuyển cho TP.HCM để nghiên cứu. Đây là tin vui vì Mỹ không chỉ giúp về nguồn tài chính, nhưng để tận dụng được cơ hội này, chúng ta phải chạy đua với thế giới" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.