Sáng 17-2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa bốn cơ quan trong giai đoạn 2021-2026.
Dự thảo Quy chế phối hợp giữa bốn cơ quan giai đoạn 2021-2026, gồm ba chương, 26 điều với các nội dung như: Công tác bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND và bầu Hội thẩm nhân dân; tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật, pháp lệnh - phản biện xã hội - phổ biến giáo dục pháp luật; chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức kỳ họp HĐND thành phố; tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát và tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri; phối hợp tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân…
Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa 4 cơ quan trong giai đoạn 2021-2026.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao sự chủ động của Thường trực HĐND TP cùng các cơ quan trong việc đề xuất, chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp.
Việc bốn cơ quan đại diện cho cử tri, cho các cơ quan hành pháp của Thủ đô tổ chức ký Quy chế phối hợp công tác trong giai đoạn 2021-2026 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Qua đó từng cơ quan sẽ chủ động, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật; đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ công tác, góp phần xây dựng các cơ chế chính sách và tổ chức triển khai thực hiện, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và bảo đảm đời sống, lợi ích chính đáng của nhân dân.
“Trong công tác phối hợp, các cơ quan cần gắn với việc tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng làm việc theo tinh thần “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm.
Cùng với đó là tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và hiệu lực hiệu quả. Phát huy cao độ quyền làm chủ của người dân; không chỉ mối quan hệ của 4 cơ quan mà là mối quan hệ giữa dân với chính quyền, tạo ra cơ chế, môi trường thuận lợi để phát triển nhằm chăm lo của người dân tốt hơn” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu, thông qua việc phối hợp, bốn cơ quan nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân từ việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; theo dõi kết quả xử lý các ý kiến, kiến nghị sau tiếp xúc cử tri… đảm bảo ý kiến của người dân được tiếp thu và chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đặc biệt, cần quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền những nội dung trên để người dân nắm được các chủ trương, cơ chế, chính sách, quy định của nhà nước… qua đó góp phần thu hút sự tham gia của người dân vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống người dân.