Bất đồng đang gia tăng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới, bao gồm cả những công ty ở Canada (Ca-na-đa). Quan hệ giữa Canada và Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng sau vụ việc liên quan tới Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu vào năm 2018.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng cho thấy sự phụ thuộc của các công ty khác trên thế giới vào các nhà cung cấp Trung Quốc có thể gây ra hậu quả lớn khi các chuỗi cung ứng này bị gián đoạn. Trong giai đoạn bất ổn và nhiều thách thức, các công ty đang cố gắng điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc mà dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị và chi phí tăng.
Trong khi dịch COVID-19 buộc nhiều công ty phải trở nên linh hoạt hơn, như tăng số lượng nhà cung cấp, thì các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện phải bắt đầu suy nghĩ về sự bất ổn gia tăng trên thị trường vì sự biến động có khả năng xảy ra tại đây.
Nghiên cứu đang được thực hiện cho thấy hai yếu tố quan trọng nhất để đưa ra quyết định về cách ứng phó với "cuộc chiến" thương mại Mỹ-Trung Quốc là vị trí địa lý và sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và công nghệ. Yếu tố đầu tiên liên quan đến việc có bao nhiêu công ty phụ thuộc vào các nhà cung cấp và khách hàng của Trung Quốc. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Trung Quốc là "nhà" của hầu hết các ngành công nghiệp và các công ty của nước này cung cấp gần như đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ trong mỗi ngành công nghiệp này.
Yếu tố thứ hai là sự phụ thuộc vào công nghệ. Trong một số ngành công nghiệp, người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ là người nắm giữ chìa khóa để thành công. Bắc Mỹ vẫn là khu vực dẫn dầu về công nghệ, bao gồm cả công nghệ sinh học, thịt nuôi cấy và trí tuệ nhân tạo và khu vực này ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong tương lai, các công ty liên quan đến các công nghệ Bắc Mỹ trong các khu vực tiên tiến có thể sẽ phải tránh giao hàng đến Trung Quốc hoặc sử dụng các công nghệ này khi hợp tác với bất kỳ công ty Trung Quốc nào. Các công ty có mức độ phụ thuộc khác nhau đối với chuỗi cung ứng của Trung Quốc và các công nghệ Bắc Mỹ có khả năng ứng xử rất khác nhau.
Trong khi đó, các công ty có sự phụ thuộc thấp vào cả công nghệ Bắc Mỹ và các chuỗi cung ứng Trung Quốc có xu hướng di dời các cơ sở sản xuất của họ đến một nước thứ ba, có chi phí nhân công thấp như Ấn Độ, bởi dễ dàng tìm thấy các cơ sở sản xuất thay thế và tiếp cận công nghệ.
Mảng kinh doanh màn hình của Samsung là một ví dụ. Sự phụ thuộc của Samsung đối với các chuỗi cung ứng của Trung Quốc khá thấp bởi hãng này sở hữu một chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh từ các hoạt động thượng nguồn (đầu vào đến các sản phẩm, chẳng hạn như thiết kế chip) đến các hoạt động hạ nguồn (đầu ra như sản phẩm, như điện thoại thông minh). Nhìn chung, Samsung có thiết kế, quy trình sản xuất và thị trường sản phẩm riêng của mình.
Tuy nhiên, các công ty có sự phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng Trung Quốc có thể gặp khó khăn hơn khi rời Trung Quốc, chẳng hạn như điện thoại Pixel của Google. Năm 2019, Google đã quyết định di dời cơ sở sản xuất điện thoại Pixel khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan vào Mỹ, một thị trường quan trọng đối với điện thoại của hãng này. Hai năm sau, Google đã thay đổi quyết định và bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh mới tại Trung Quốc do vấn đề chuỗi cung ứng trong bối cảnh bất ổn từ các hạn chế liên quan đến dịch bệnh gia tăng.
Mặt khác, các công ty có sự phụ thuộc lớn vào công nghệ Bắc Mỹ và sự phụ thuộc tương đối thấp đối với các chuỗi cung ứng của Trung Quốc có khả năng di dời sản xuất sang Bắc Mỹ.
Các công ty có sự phụ thuộc lớn vào cả công nghệ Bắc Mỹ và chuỗi cung ứng của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lớn nhất bởi họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hoạt động ở cả hai quốc gia giữa bối cảnh các rủi ro chính trị và thị trường bất ổn. Tesla là một ví dụ điển hình.
Mặc dù Tesla nắm giữ vị thế công nghệ hàng đầu tại Mỹ, nhưng chuỗi cung ứng của Trung Quốc lại mang lại lợi ích cho Tesla nhờ tốc độ sản xuất, chi phí và thị trường. Điều đó khiến các công ty như Tesla không có lựa chọn nào khác ngoài việc "tùy cơ ứng biến" và nỗ lực duy trì hoạt động ở cả hai thị trường.