Nghị định 15/2022 của Chính phủ quy định: Từ ngày 1-2-2022 giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa và dịch vụ. Khi bán hàng hóa được giảm thuế, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn với thuế suất 8% giao cho người mua.
Không thể phủ nhận chính sách giảm 2% thuế VAT giúp người dân, doanh nghiệp (DN) giảm bớt một phần khó khăn do dịch COVID-19, tạo đà phục hồi kinh tế. Thế nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến chủ trương này chậm đi vào thực tế.
Lấn cấn, lo xuất hóa đơn sai
Hệ thống bán lẻ Saigon Co.op vừa thông báo áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% cho hàng loạt hàng hóa. Hiện đã có hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, thời trang may mặc… tại hệ thống này áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT.
Bà Vũ Nguyễn Diễm Thi, Giám đốc marketing Saigon Co.op, nói ngay sau tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị đã bắt đầu thực hiện lộ trình giảm giá hàng hóa theo thuế và tổ chức chương trình khuyến mãi giảm giá với hàng loạt mặt hàng.
Người dân, doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tuy nhiên, việc áp dụng suôn sẻ chủ trương giảm thuế VAT như Saigon Co.op không nhiều. Cụ thể, nhiều DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh thừa nhận không thể nắm rõ mặt hàng nào thuộc danh mục được giảm thuế VAT, mặt hàng nào không; hoặc gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế VAT 8%.
Đại diện một khách sạn tại quận 1, TP.HCM thắc mắc rượu bia là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên không được giảm thuế VAT, vì vậy công ty vẫn bán rượu bia cho khách hàng với thuế 10%. Nhưng khách sạn lại là ngành được giảm thuế VAT, vậy khi xuất hóa đơn ghi 8% hay 10%.
Tương tự, ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc một công ty thực phẩm ở TP.HCM, cho biết ông rà soát Nghị định 15/2022 thì thấy dịch vụ bảo vệ có tên trong danh mục ngành nghề không được giảm thuế VAT. Thế nhưng công ty bảo vệ - nơi cung cấp nhân viên bảo vệ cho công ty của ông - lại xuất hóa đơn ghi thuế 8%.
“Công ty bảo vệ khẳng định họ đúng vì dịch vụ bảo vệ được giảm thuế VAT. Tôi thực sự bối rối, không biết tôi đúng hay họ đúng” - ông Kiệt băn khoăn.
Một vướng mắc phổ biến nữa là áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Lâm, đại diện một công ty nhựa, thắc mắc: “Nguyên vật liệu nhập khẩu của chúng tôi không được giảm thuế VAT nhưng sản phẩm làm ra có được hưởng giảm thuế hay không?”.
Theo ông Lâm, hạt nhựa, hóa chất nhập khẩu là những mặt hàng không được giảm thuế VAT, tức thuế vẫn 10%. Nhưng công ty nhập khẩu những mặt hàng trên về chế biến ra sản phẩm như bàn, ghế, rổ… và những mặt hàng này lại được giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Vì vậy, công ty lúng túng không biết khi xuất hóa đơn ghi thuế VAT sao cho đúng và không bị phạt.
Cần có hướng dẫn chi tiết, kịp thời
Trước những vướng mắc trong quá trình thực hiện, đại diện nhiều công ty kiến nghị cơ quan thuế ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 15/2022. Tuy vậy, chuyên gia thuế Trần Xoa nhìn nhận trong Nghị định 15/2022 đã có quy định về danh mục không được giảm thuế VAT. Điều này có nghĩa để xác định đối tượng được giảm thuế VAT, các cơ sở kinh doanh cần căn cứ vào các hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT ban hành kèm phụ lục của Nghị định 15/2022. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều công ty không nắm rõ dẫn đến lo làm sai, sợ bị phạt nên rối. Trong khi đó, họ hỏi cơ quan thuế địa phương thì lại không được giải đáp cụ thể nên càng rối hơn.
“Cơ quan thuế các địa phương nên trả lời, hướng dẫn chi tiết cho các DN làm đúng quy định. Việc này có thể làm ngay. Đơn cử như trường hợp khách sạn, dù là ngành kinh doanh dịch vụ được giảm thuế VAT nhưng sản phẩm rượu bia là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên không được giảm thuế VAT. Cho nên khi bán mặt hàng này khách sạn vẫn phải ghi thuế VAT 10%” - ông Xoa dẫn chứng.
Cũng theo ông Xoa, để giải đáp thắc mắc cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thì Tổng cục Thuế và ngành thuế địa phương cần đăng trên website của đơn vị mục riêng “Hỏi - đáp Nghị định 15”. Mục này sẽ đăng những câu hỏi về các tình huống phổ biến mà nhiều công ty gặp và có phần trả lời cụ thể ở dưới. Khi người kinh doanh vào website cơ quan thuế xem thì có thể nắm rõ để thực hiện.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Hiệp hội DN TP.HCM), cũng cho rằng cơ quan thuế nên áp dụng thực hiện Nghị định 15/2022 theo ba nguyên tắc sau đây. Thứ nhất, nguyên tắc bảo vệ người yếu thế là người nộp thuế. Thứ hai, khi DN kinh doanh nhiều ngành nghề thì cần thực hiện theo nguyên tắc áp dụng với ngành kinh doanh chính, sản phẩm chính chứ để họ ngồi tính chi ly từng cái là sẽ rối. Thứ ba, đối với loại hình kinh doanh tương tự nhau thì áp dụng cho giảm thuế xuống 8%.
Cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm Bộ Tài chính cho biết dự kiến khi thực hiện Nghị định 15/2022 sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 51.400 tỉ đồng. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuộc Tổng cục Thuế, cho biết mục đích lớn nhất của Nghị định 15/2022 là giảm thuế VAT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Tuy vậy, do thời gian ban hành nghị định sát với thời gian nghỉ tết Nguyên đán dẫn đến nội dung của nghị định chưa được người dân, DN tiếp nhận một cách đầy đủ. Chính vì vậy, Tổng cục Thuế đã ban hành công điện yêu cầu các cục trưởng cục thuế chỉ đạo các phòng, chi cục thuế đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, DN trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất VAT trong năm 2022. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm. |