Như vậy sau nhiều lần lùm xùm xung quanh vị trí chủ tịch, Eximbank đã chính thức bầu được Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) và bà Lương Thị Cẩm Tú trở thành người đứng đầu ngân hàng.
Thượng tầng nhà băng này đúng ra đã phải được kiện toàn từ 2 năm trước, song những chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm cổ đông khiến Eximbank không thể tổ chức thành công đại hội để bầu HĐQT. Do vậy, HĐQT nhiệm kỳ VI đã phải kéo dài thêm để đảm bảo đủ số lượng tối thiểu nhân sự thành viên HĐQT nhằm thực hiện vai trò quản trị, điều hành theo quy định.
"Cuộc chiến" giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank thực tế đã diễn ra từ năm 2015, sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng quyết định rút lui. Theo đó, nhóm cổ đông nào cũng muốn có chân trong HĐQT và Ban kiểm soát, khiến nhà băng phải trì hoãn ĐHĐCĐ nhiều lần.
Sau 2 lần tổ chức đại hội cổ đông không thành, phải đến giữa tháng 12/2015, Eximbank mới "chốt" được nhân sự tại đại hội cổ đông bất thường.
Ông Lê Minh Quốc sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT, còn trưởng Ban kiểm soát là đại diện đến từ Vietcombank nắm giữ. Tuy nhiên, cuộc họp này cũng diễn ra không mấy suôn sẻ khi nội bộ cổ đông ngân hàng tố cáo có sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu.
Từ 2016 - 2018, các kỳ họp đại hội tiếp tục gây nhiều tranh cãi khi những ồn ào trong việc bầu nhân sự cấp cao tiếp diễn, hàng loạt yêu cầu đòi thay thế HĐQT đương nhiệm xuất hiện, bộ máy lãnh đạo cắt giảm hàng loạt...
Đỉnh điểm vào đầu năm 2019, "sóng gió" lại bắt đầu nổi lên khi ngay sau cuộc họp ngày 22/3, HĐQT Eximbank bất ngờ đưa ra nghị quyết 112 bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3 và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam A Bank) thay thế.
Tuy nhiên, ông Quốc khẳng định mình vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank, quyết định bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông là "không có giá trị pháp lý".
Ông Quốc cũng có đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/3/2019, TAND TP.HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng Nghị quyết 112.
Song, đến ngày 14/5/2019, ông Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT với lý do "theo nguyện vọng cá nhân" và tiếp tục giữ chức vụ Thành viên HĐQT tại ngân hàng.
Đến ngày 22/5/2019, HĐQT Eximbank chính thức có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Quốc. Cũng tại thời điểm này, Eximbank thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Nhưng chỉ trong vòng một năm sau đó, ghế chủ tịch lại được chuyển sang cho ông Yasuhiro Saitoh, người trước đó giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng.
Như vậy, chỉ trong thời gian tháng 3/2019 – tháng 6/2020, ghế nóng Eximbank đã đổi chủ 4 lần với 4 người thay phiên nắm giữ: từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và đến ông Yasuhiro Saitoh.
Đến ngày 13/4/2021, sóng gió lại nổi trước thềm đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 3 của EximBank khi HĐQT ngân hàng liên tục có những nghị quyết xoay vòng khó hiểu khi trong một tiếng với 3 lần đổi "ghế nóng", từ ông Saitoh, sang ông Nguyễn Quang Thông và quay trở lại Yasuhiro Saitoh.
Tiếp tục đến đại hội thường niên 2020 lần 3 hôm 26/4/2021, cuộc họp đã không thể diễn ra khi tỷ lệ số cổ phần các cổ đông tham dự chỉ đạt gần 42%, không đủ điều kiện tiến hành.
Trước đó vài ngày, Eximbank cho biết đã nhận được kiến nghị của hai nhóm cổ đông về việc miễn nhiệm hàng loạt các thành viên HĐQT.
Đến sáng ngày 27/4/2021, Eximbank tiếp tục không thể tổ chức được đại hội thường niên 2021 khi không đủ túc số tham dự.
Và đến ngày 15/2/2022, Eximbank mới tổ chức được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai và bầu ra thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Trong cuộc họp diễn ra vào ngày 15/2, có thể nói toàn bộ nhóm cổ đông lớn của Eximbank đã xuất hiện khi có 146 người tham dự, đại diện cho 1,16 tỷ cổ phần, tương đương 94,6% cổ phần có quyền biểu quyết.
Tuy vậy, sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông Eximbank vẫn chưa ở mức cao khi chỉ có 60,25% cổ đông tham dự tán thành quy chế họp. Đây cũng là tỷ lệ cổ đông đồng ý thông qua chương trình họp, còn hơn 39,73% cổ đông không đồng ý.
Bên cạnh đó, một loạt tờ trình của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành trong các năm trước đều không được ĐHĐCĐ thông qua.
Theo kết quả biểu quyết, có tới 26 tờ trình về báo cáo hoạt động của Ban điều hành, HĐQT, Ban Kiểm soát; phương án phân phối lợi nhuận; kinh phí hoạt động và thù lao HĐQT, BKS,… không được thông qua do tỷ lệ tán thành dưới mức tối thiểu 51%.
Mặc dù vậy, trong các cuộc họp của HĐQT và BKS diễn ra ngay sau đại hội cổ đông, các quyết định về chức danh trong HĐQT và BKS đều được đồng thuận và nhất trí cao.
Kết quả, ông Ngô Tony đã được bầu giữ chức danh Trưởng Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới được toàn bộ 3 thành viên tán thành. Trong khi bà Lương Thị Cẩm Tú nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn thể thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) với 7/7 phiếu bầu.
Như vậy, tính từ cuối năm 2015 đến nay, ghế chủ tịch của Eximbank đã có 8 lần đổi chủ: Từ ông Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc, qua bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh, đến ông Yasuhiro Saitoh, sang ông Nguyễn Quang Thông, quay trở lại Yasuhiro Saitoh và hiện nay là bà Lương Thị Cẩm Tú.
https://cafef.vn/nhin-lai-cuoc-chien-vuong-quyen-cua-eximbank-hon-6-nam-8-lan-doi-chu-tich-20220217183224476.chnTheo Quốc Thụy
Trí Thức Trẻ