Cuối tháng 12 năm ngoái Hải Đăng, 25 tuổi ở quận Long Biên, TP. Hà nội bị mắc Covid-19. Sau khoảng chục ngày điều trị em có kết quả âm tính. Đăng đã nghĩ sức khỏe sẽ sớm trở lại bình thường, nhưng sau hơn 1 tháng khỏi bệnh hiện nay thỉnh thoảng em vẫn bị đau tức ngực, khó thở và mệt mỏi trong người.
“Cơn đau có thể đến lúc em đang làm việc hoặc đang nghỉ ngơi khiến em rất mất tập trung, rất lo vì em còn trẻ, chỉ sợ bị bệnh liên quan đến tim mạch”, Đăng chia sẻ.
20 năm trước, ông Trần Đức ở quận Long Biên cũng từng bị rối loạn nhịp tim do uống nhầm thuốc và đã được điều trị khỏi. Tuy nhiên, sau khi khỏi Covid-19 ông Đức luôn có cảm giác tình trạng rối loạn nhịp lại lặp lại.
“Trước tim chỉ đập nhanh nhưng không mệt, bây giờ người lúc nào cũng hụt hơi, cứ từ 5h chiều đến 11h đêm là bồn chồn trong ngực, tim có cảm giác đơ đơ, hồi hộp, bồn chồn rất khó chịu...”, ông Đức nói.
Ông Đức làm nghề lái xe, từ lúc khỏi Covid đến giờ đã gần 2 tháng nhưng ông vẫn chưa dám đi làm trở lại. Ông sợ những cơn khó thở, bồn chồn sẽ bất chợt xuất hiện trong lúc đang điều khiển phương tiện chở khách, sợ cả cảm giác khó thở, hụt hơi vì trước đó ông cũng được chẩn đoán có tổn thương phổi kẽ - di chứng về hô hấp, hay gặp ở F0 sau khi khỏi Covid-19.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài-Phó Viện Trưởng Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, các triệu chứng khó thở, bồn chồn, đau tức ngực ở người từng mắc Covid-19 là dấu hiệu của tổn thương tim mạch – di chứng hậu Covid. Tổn thương này có thể xuất hiện từ lúc bệnh nhân đang trong quá trình điều trị Covid-19, với những biểu hiện không rõ rệt nhưng về sau có thể tiến triển nặng dần thành bệnh lý tim mạch.
“Từ những tổn thương gây ra suy hô hấp sau đó sẽ tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, ảnh hưởng đến chức năng tim. Những tổn thương tế bào cơ tim do virus cũng có thể dẫn đến viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Virus xâm nhập vào các tế bào nội mô mạch máu cũng dẫn đến phá hủy các lớp biểu mô dưới niêm mạc và khởi động quá trình đông máu..” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết.
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, người mắc Covid-19 có nguy cơ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não thoáng qua cao gấp 1,5 lần so với người không nhiễm. Các rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, cuồng nhĩ, rối loạn nhịp thất…cao gấp từ 1,5 đến gần 2 lần so với người bình thường. Nguy cơ bị viêm cơ tim cao gấp 5 lần và viêm ngoài màng tim cao gấp 2 lần. Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim cục bộ, bị bệnh cơ tim giãn cao gấp 2-3 lần so với người không nhiễm, ngoài ra còn có thể bị các bệnh lý nặng nề như huyết khối tĩnh mạch, nhồi máu phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cao gấp 3 lần người bình thường.
Di chứng tim mạch ở bệnh nhân hậu Covid- 19 thường biểu hiện bằng các triệu chứng như nhịp tim đập nhanh hoặc chậm hơn bình thường, bệnh nhân có thể có đau ngực, khó thở, chóng mặt, nhìn mờ, tim đập loạn nhịp, mệt mỏi, sưng mắt cá chân, đặc biệt khi thay đổi tư thế nhịp tim tăng nhanh đột ngột.
Các tổn thương này có thể gặp ở cả những bệnh nhân có bệnh nền về tim mạch và những bệnh nhân khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên qua các nghiên cứu trên thế giới và thực tế tại các bệnh viện hiện nay cho thấy, những người có các bệnh lý tim mạch và người có yếu tố nguy cơ cao như bị cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, bệnh nhân ung thư.. dễ bị biến chứng của Covid-19 nhiều hơn.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết, hiện mỗi ngày Viện tim mạch Việt Nam tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị các di chứng hậu Covid như bị viêm cơ tim, viêm ngoài màng tim hay bị hội chứng trái tim tan vỡ (tương tự như nhồi máu cơ tim) mà nguyên nhân là do stress, do căng thẳng. Bệnh nhân bị các rối loạn nhịp tim các mức độ như rung nhĩ, cuồng nhĩ, rối loạn nhịp thấp…
“Các bệnh nhân có bệnh lý nền về tim mạch sau khi nhiễm Covid-19 cần phải đi khám định kỳ - đặc biệt là các cơ sở chuyên khoa về tim mạch để được bác sĩ điều chỉnh thuốc, kiểm soát huyết áp, điều trị suy tim, điều trị nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp, rối loạn dẫn truyền…Việc điều trị hội chứng tim mạch hậu Covid-19 sẽ phụ thuộc vào triệu chứng của người bệnh…”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài khuyến cáo.
Cùng với khám định kỳ, người từng là F0 nên tập thể dục đều đặn, vừa sức để tăng hoạt động thể chất của cơ thể, đặc biệt là của tim. Nên duy trì chế độ ăn hợp lý, không để tăng cân hoặc giảm cân quá nhiều. Nên tăng cường rau, củ quả, vitamin, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều muối, nhiều chất béo, nhiều đường..
Ngoài ra, theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài, tất cả những người từng mắc Covid-19 cần được theo dõi lâu dài bởi cho đến nay chúng ta chưa có nhiều bằng chứng, chưa đánh giá được một cách chính xác những ảnh hưởng của di chứng hậu Covid-19 ở người từng mắc.
Người từng là F0 nên thường xuyên lắng nghe cơ thể mình, nhận biết các dấu hiệu khác thường để đi khám kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng nói chung ở bệnh nhân sau khi mắc Covid-19.
Theo Đinh Trang
VOV
Xem thêm: nhc.80164049081202202-cugn-cut-uad-oht-ohk-yaht-ihk-nauq-uhc-gnohk-divoc-uah/nv.zibefac