Thời gian qua, hiệu quả của các chính sách như giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đã thấy rõ. Chính vì vậy, các chuyên gia tài chính mong muốn thời gian tới, nên giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho những người làm công ăn lương… Đây sẽ là nguồn động viên rất lớn, tạo tâm lý phấn khởi giúp người dân có thêm nguồn tài chính để mua hàng hóa, tiêu dùng, thậm chí đi ăn nhà hàng, du lịch... Chính vì vậy, số thu về tổng thể sẽ tăng chứ không giảm.
Cần được hỗ trợ
Người làm công ăn lương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vẫn than thở rằng, trong 2 năm qua dù có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế nhưng chính bản thân họ đang bị thiệt thòi.
Anh Vũ Quang (ở Cầu Giấy) cho biết, do ảnh hưởng của dịch nên nhiều gia đình còn chịu cảnh một trong hai lao động chính thất nghiệp, chỉ còn một đầu lương mà phải lo chi phí sinh hoạt cho cả nhà 4-5 miệng ăn.
“Dù có thu nhập đóng thuế nhưng thực chất thu nhập ấy phải gánh cho nhiều người trong gia đình, đồng nghĩa cuộc sống của người làm công ăn lương chật vật hơn. Lẽ ra Bộ Tài chính phải đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, người làm công ăn lương chứ không thể lấy lý do “sợ rơi vào nhóm thu nhập cao” để không đề xuất chính sách hỗ trợ thuế” - anh Quang bày tỏ.
Nhưng cũng có những ý kiến trái chiều về việc giảm thuế TNCN, theo đó họ không đồng ý giảm bởi lẽ so với mặt bằng thu nhập chung hiện nay ở Việt Nam, nếu miễn hoặc giảm thuế TNCN cho những đối tượng thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng tức là giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình trở lên, không phải là những người có thu nhập thấp, không phải là những người rất khó khăn. Do đó, không cần chính sách miễn, giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Ngọc Tú (Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) cho rằng, khác với thuế giá trị gia tăng, thuế TNCN là thuế trực thu, tức thu trên thu nhập của người lao động. Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài như hiện nay, phần lớn người làm công ăn lương đều bị ảnh hưởng thu nhập. Trong điều kiện bình thường, lực lượng này đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, nên khi nhóm đối tượng này gặp khó khăn vì sụt giảm thu nhập họ cũng cần được hỗ trợ.
Cũng không thể nói “giảm thuế TNCN sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao”, bởi bất kỳ ai cũng gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài, chỉ là mức độ bị ảnh hưởng khác nhau.
“Đây là lúc người dân đang phải thắt lưng buộc bụng, chỉ dám chi xài cho nhu cầu thiết yếu nhất. Nếu có chính sách giảm thuế, người dân sẽ bớt tằn tiện, khoản thu nhập được giữ lại sẽ được dùng để lo cho chi tiêu gia đình, góp phần tạo ra sức mua để tạo sức bật cho nền kinh tế sau khi hết dịch” - vị chuyên gia này khẳng định.
Nuôi dưỡng sức mua cho nền kinh tế
Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, cuộc sống của nhà kinh doanh, người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Nhiều người thu nhập giảm, mất việc. Nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy năm 2021, ước số thu từ thuế thu nhập cá nhân năm 2021 đạt khoảng 123.000 tỉ đồng, đạt 114% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Vì vậy, số thu từ thuế TNCN tăng trong bối cảnh này thì rất nghịch lý.
Phân tích thêm về cơ cấu đóng thuế TNCN, ông Thịnh cho hay, tỉ lệ từ tiền công, tiền lương vẫn chiếm rất lớn. Những khoản đóng góp khác như chứng khoán, bất động sản dù có tăng mạnh nhưng nếu tính theo số tuyệt đối thì cũng không nhiều. Thuế TNCN vẫn đến chủ yếu từ người làm công ăn lương.
“Nhà nước cần xem xét giảm thuế TNCN cho người lao động. Điều này là cần thiết và nên làm vì nó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh” - PGS-TS Thịnh nhấn mạnh.
Đồng tình với ông Thịnh, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, đã có chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì cá nhân cũng cần được giảm.
“Thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh sẽ là cần thiết và hợp lý hơn” - luật sư An nói.
Theo luật sư An, các nước khác hiện nay đang có những biện pháp hỗ trợ trực tiếp đến người dân, do đó Chính phủ cũng cần xem xét cho miễn thuế TNCN cho các đối tượng nhận lương, tiền công để kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, vực dậy nền kinh tế.
“Việc giãn thuế TNCN là không hiệu quả vì trước sau gì cũng phải đóng. Thời điểm hiện tại cần biện pháp mạnh hơn, đó là miễn, giảm thuế TNCN. Do dịch COVID-19 kéo dài và gây ảnh hưởng đến năm sau nên chính sách giảm, miễn thuế cũng cần thực hiện tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ miễn giảm từ 30 - 50%” - ông An nói.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Theo quy định của pháp luật thuế TNCN hiện hành, thu nhập làm căn cứ tính thuế là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo theo quy định.
Với quy định hiện hành, người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế TNCN, đối với mức thu nhập cao hơn, ngành Thuế sẽ tính các khoản giảm trừ theo quy định và áp dụng biểu thuế lũy tiến.
Ví dụ đối với người lao động có mức thu nhập 22 triệu đồng/tháng nhưng có 2 người phụ thuộc và đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc thì không phải nộp thuế. Với mức thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng, người lao động nộp thuế ở bậc 1 với thuế suất 5% và số thuế khấu trừ hằng tháng chỉ là 39.250 đồng/tháng.
Xem thêm: odl.6225101-gnourt-iht-ial-yauq-es-neit-nahn-ac-pahn-uht-euht-maig/et-hnik/nv.gnodoal