Nhắc đến Elon Musk, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các công ty nổi tiếng như Tesla hay SpaceX. Ít người biết vị tỷ phú này cũng đang đầu tư vào một dự án mạo hiểm khác là Neuralink, một start-up được Musk kỳ vọng sẽ đưa con người đến chỗ "cộng sinh" với trí tuệ nhân tạo.
Để làm được điều đó, công ty này đang tập trung vào phát triển các công nghệ giao diện não-máy tính. Cụ thể, Neuralink đã tạo ra được những con chip có thể gắn vào não bộ con người.
Con chip này không chỉ có thể ghi lại mọi hoạt động của não bộ và chuyển dữ liệu đó sang máy tính, mà nó còn có thể dùng các tín hiệu máy tính để kích thích trở lại não bộ. Musk vì thế đã có lần so sánh công nghệ này với "một chiếc dây đeo FitBit trong hộp sọ của bạn".
Trong những năm vừa qua, Neuralink đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong các thử nghiệm trên động vật. Vì vậy, công ty đặt mục tiêu sẽ thử cấy một con chip vào não bộ người đầu tiên trong năm nay, 2022.
Để đón chờ khoảnh khắc đó, và hồi hộp chờ đợi xem lần này Musk có thành công hay không, chúng ta cần nhìn lại chặng đường phát triển của Neuralink, và những gì mà công ty này đã làm được cho tới thời điểm này.
Neuralink được thành lập vào năm 2016.
Lần đầu tiên mà công chúng biết đến Neuralink có lẽ là năm 2017, sau khi Wall Street Journal đưa tin về sự tồn tại của nó. Nhưng dự án này thực chất đã được Elon Musk âm thầm thành lập từ năm 2016.
Mặc dù vậy, chúng ta phải đợi tới tận năm 2019, Neuralink mới lần ra mắt công chúng lớn đầu tiên của họ. Elon Musk và nhóm điều hành dự án khi đó đã tổ chức một buổi livestream để giới thiệu về những gì mà họ đang làm, các công nghệ mà Neuralink đang trực tiếp phát triển.
Neuralink đang phát triển hai thiết bị. Đầu tiên là một con chip sẽ được cấy vào hộp sọ của một người, với các điện cực khâu thẳng vào não có thể thu nhận và truyền tín hiệu.
Con chip mà Neuralink đang phát triển có kích thước chỉ bằng một đồng xu và sẽ được gắn vào hộp sọ của bệnh nhân. Tín hiệu điện sẽ được nhận và truyền qua một loạt các dây dẫn siêu nhỏ, mỗi sợi chỉ mỏng bằng 1/20 lần so với đường kính sợi tóc người.
Chúng sẽ được khâu vào bề mặt não, các sợi dây được trang bị tới 1.024 điện cực có thể theo dõi hoạt động của não. Và về mặt lý thuyết, chúng cũng có thể kích thích não bằng dòng điện.
Tất cả các dữ liệu này được truyền từ con chip trong đầu ra ngoài máy tính bằng tín hiệu không dây, để các nhà khoa học tại Neuralink có thể nghiên cứu chúng.
Công nghệ thứ hai mà Neuralink đang phát triển là một cánh tay robot phẫu thuật.
Cánh tay robot này được Neuralink phát triển riêng cho nhiệm vụ cấy con chip của họ vào bộ não. Nó làm điều này thông qua một chiếc kim cứng, sẽ xuyên vào bên trong bề mặt não và gắn các sợi dây vào đó.
Về cơ bản, nó hoạt động giống như một chiếc máy khâu.
Trong các tuyên bố của mình, Elon Musk cho biết cánh tay robot phẫu thuật của Neuralink sẽ giúp việc cấy chip vào não bộ trở nên đơn giản và dễ dàng, giống như khi bạn đi phẫu thuật mắt chữa cận thị.
Rõ ràng, đó là một tuyên bố hết sức táo bạo, nhưng các nhà khoa học thần kinh cho biết không phải không có lí do để chúng ta tin tưởng công nghệ đó. Andrew Hires, một giáo sư nghiên cứu não bộ và khoa học nhận thức tại MIT nhấn mạnh một tính năng mà Neuralink đã nghiên cứu cho robot của mình:
Đó là việc nó có khả năng điều chỉnh mũi kim tự động khử những chuyển động nhô lên ngụp xuống rất nhẹ của não bộ trong khi bệnh nhân thở, hoặc thậm chí những rung động truyền từ trái tim đang đập tới não thông qua các mạch máu.
Vào năm 2020, Neuralink đã trình diễn công nghệ của mình trong một buổi livestream. Họ đã tuyên bố gắn thành công con chip vào não một con lợn tên là Gertrude.
Buổi trình diễn này là bằng chứng về khái niệm cho thấy con chip gắn vào não bộ có khả năng truyền và thu nhận tín hiệu với máy tính. Cụ thể, nó đã xác định được đúng vị trí các chi của Gertrude khi con lợn này đang đi bộ trên máy chạy. Con chip cũng ghi lại được nhiều hoạt động thần kinh phức tạp khác, chẳng hạn khi con lợn tìm kiếm thức ăn.
Công ty đã tiến một bước xa hơn với một buổi trình diễn vào tháng 4 năm 2021. Lần này, họ đã gắn chip vào não một con khỉ, cho phép nó chơi trò chơi điện tử chỉ bằng suy nghĩ của mình.
Con khỉ tên là Pager sẽ phải chiến thắng một trò chơi điện tử giống trò hứng bóng (Pong) để nhận được phần thưởng là sinh tố chuối.
Trong khi bạn nhìn thấy con khỉ cầm cần điều khiển để di chuyển con trỏ trên mình hình, chiếc cần này thực ra đã bị ngắt kết nối với trò chơi. Điều đó có nghĩa là Pager đang chỉ sử dụng suy nghĩ để chơi trò chơi điện tử đó.
Suy nghĩ này được truyền từ não vào con chip, rồi từ con chip cấy trong đầu nó ra ngoài máy tính. Sau đó, ý nghĩ của con khỉ đã được trò chơi tiếp nhận xử lý.
Con khỉ Pager sử dụng ý nghĩ để chơi game
Với kết quả này, Elon Musk đã tự tin khẳng định một lần nữa rằng con chip của Neuralink đã có thể giúp khỉ điều khiển máy tính chỉ bằng suy nghĩ.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho biết họ không quá bất ngờ với điều đó. "Con khỉ này chưa thể lướt internet. Nó chỉ đang di chuyển con trỏ để hứng được một quả bóng nhỏ đi tới đúng mục tiêu", Andrew Hires, một phó giáo sư sinh học thần kinh tại Đại học California nói.
Việc cấy ghép các giao diện não-máy tính trên động vật linh trưởng, cho phép chúng điều khiển các đối tượng trên màn hình đã được nhiều nhóm khoa học thực hiện thành công trước đây.
Ý tưởng này đã được phát triển từ thập niên 1960 và đạt được thành công ban đầu vào năm 2002. Nhưng bởi công chúng nói chung không thường biết đến những công nghệ tiên phong kiểu này, khi chúng còn thai nghén trong phòng thí nghiệm, họ sẽ nghĩ Neralink là đơn vị đầu tiên thực hiện được điều đó.
"Đối với tất cả những công nghệ mà Neuralink đã trình diễn, về cơ bản những gì họ làm chỉ là gói tất cả những công nghệ đã có thành một hình thức nhỏ xinh, sau đó gửi dữ liệu ấy qua công nghệ không dây", Jason Shepherd, một phó giáo sư sinh học thần kinh tại Đại học Utah cho biết.
"Nếu bạn mới xem màn trình diễn này, bạn sẽ nghĩ rằng nó chưa từng xuất hiện ở đâu, rằng Musk đang làm nên điều kỳ diệu, nhưng trên thực tế, anh ấy thực sự đã copy/paste rất nhiều công việc từ rất nhiều phòng thí nghiệm đã và đang làm những nghiên cứu như thế này ".
Elon Musk cho biết Neuralink sẽ bắt đầu cấy chip vào não người từ năm 2022 - chậm hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu của ông.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Giám đốc điều hành Wall Street Journal vào ngày 6 tháng 12 năm 2021, Musk cho biết Neuralink hy vọng sẽ bắt đầu được thử nghiệm cấy chip trên não bộ người vào năm 2022. Và họ đang trong quá trình chờ FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) phê duyệt.
"Dự án của chúng tôi sẽ được đẩy nhanh tiến độ ngay khi chúng tôi cấy được thiết bị vào trong não người vào năm tới đây (bởi chúng ta khó có thể trò chuyện với những con khỉ theo nhiều cách)", Musk viết trong một tweet.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên vị tỷ phủ đặt ra cột mốc thời gian cho Neuralink đưa những con chip của họ vào não người.
Trong một lần xuất hiện trên podcast "Joe Rogan Experience" vào tháng 5 năm 2020, Musk từng nói rằng Neuralink có thể bắt đầu thử nghiệm trên người trong năm 2021. Ông cũng đã lặp lại tuyên bố này trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2 năm 2021.
Quay trở lại năm 2019, Musk cũng từng kỳ vọng Neuralink sẽ đưa được một con chip vào trong đầu một bệnh nhân đầu tiên trong năm 2020. Nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đã nghi ngờ mốc thời gian cho kế hoạch đó.
Họ cho biết giao diện não- máy tính là một công nghệ hoàn toàn mới, do đó, sẽ cần thêm thời gian để kiểm tra độ an toàn của các thiết bị, khi nó được cấy vào não bộ.
Giống như các phương pháp cấy ghép não bộ khác, một khi con chip được đưa vào đầu bệnh nhân, nó sẽ tồn tại ở đó suốt đời. Vì vậy các quy trình kiểm tra sự an toàn, thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật càng cần phải thực hiện đầy đủ và thậm chí kéo dài thời gian theo dõi.
"Bạn không thể tăng tốc quá trình đó. Bạn phải đợi để xem liệu các điện cực có đảm bảo tuổi thọ của chúng không", Jacob Robinson, một nhà kỹ thuật thần kinh tại Đại học Rice cho biết.
Neuralink từng úp mở ứng dụng đầu tiên của con chip trên người, nó sẽ kết nối não bộ của người liệt tứ chi với máy tính và điện thoại, giúp họ điều khiển các thiết bị này bằng ý nghĩ.
Ngày 29 tháng 7 năm 2021, Neuralink thông báo họ đã huy động được thêm 205 triệu USD từ vòng gọi vốn series C. Trong nhóm các nhà đầu tư có cả quỹ GV của Google (trước đây là Google Ventures).
Để đáp lại kỳ vọng của các nhà đầu tư, Neuralink tiết lộ họ đã có kế hoạch cho sản phẩm thương mại đầu tiên. Đó sẽ là một con chip hướng đến những bệnh nhân liệt tứ chi.
"Mục tiêu đầu tiên mà thiết bị này hướng tới là giúp những người liệt tứ chi có lại được sự tự do trên môi trường kỹ thuật số, thông qua việc giúp họ tương tác với máy tính hoặc điện thoại bằng cách truyền ý nghĩ tự nhiên qua băng thông cao.
Số tiền chúng tôi có được từ vòng gọi vốn này sẽ được sử dụng để đưa sản phẩm đầu tiên của Neuralink ra thị trường và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển các sản phẩm trong tương lai", thông cáo của công ty cho biết.
Elon Musk cũng đã lặp lại ý tưởng này trong Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Giám đốc điều hành do Wall Street Journal tổ chức vào tháng 12 năm 2021. Ông nói những người đầu tiên được cấy ghép chip Neuralink là những người "bị chấn thương tủy sống nghiêm trọng dẫn đến tình trạng liệt tứ chi".
Kế đó, giáo sư Andrew Hires cho biết một giao diện não-máy tính như chip của Neuralink có thể giúp người liệt điều khiển các cánh tay robot, hoặc phương tiện, xe lăn của mình bằng ý nghĩ.
Các điện cực trong não của bệnh nhân cũng có khả năng tái tạo lại cảm giác chạm, cho phép bệnh nhân kiểm soát vận động tốt hơn khi sử dụng chi giả.
Ngoài ra, các công nghệ giao diện thần kinh tiên tiến nói chung và Neuralink nói riêng luôn nằm trong bộ công cụ giúp các nhà khoa học nghiên cứu và tìm ra cách điều trị tốt hơn cho các bệnh thần kinh nghiêm trọng như Parkinson và Alzheimer.
Trong một lần xuất hiện trên podcast "Trí tuệ nhân tạo" với Lex Fridman tháng 11 năm 2019, Elon Musk cho biết Neuralink trong tương lai có thể "giải quyết rất nhiều bệnh liên quan đến não", bao gồm cả chứng tự kỷ và tâm thần phân liệt.
Tầm nhìn của Elon Musk với Neuralink là giúp con người cộng sinh với trí tuệ nhân tạo.
Trong một tweet ngày 9 tháng 7 năm 2020, Elon Musk đã viết: "If you can't beat em, join em", và tuyên bố đây chính là sứ mệnh của Neuralink. Những gì mà Neuralink đang làm phục vụ cho nỗi bứt rứt trong lòng Elon Musk, một người luôn bị ám ảnh rằng các công cụ trí tuệ nhân tạo và robot sẽ sớm vượt mặt con người.
Nếu không muốn bị tụt lại phía sau, con người phải tìm cách tự nâng cấp bản thân mình trước khi tương lai ấy kịp xảy ra. Và "nếu bạn không thể đánh bại chúng, hãy tích hợp với chúng – Đó là sứ mệnh của Neuralink", Elon Musk viết.
Cụ thể, Musk nghĩ nhân loại sẽ có thể đạt được "sự cộng sinh với trí thông minh nhân tạo" bằng cách sử dụng công nghệ do Neuralink phát triển.
Sự cộng sinh này có thể mở ra nhiều khả năng cho con người. Với việc điều khiển được máy tính, điện thoại từ xa và chỉ bằng ý nghĩ, nó có thể giúp bạn điều khiển mọi thiết bị điện tử xung quanh mình.
Neuralink cho phép bạn truy cập vào thế giới IoT, xác định vị trí xe của bạn trong bãi đỗ, nổ máy nó bằng ý nghĩ, lái nó trong khi làm các công việc đa nhiệm trên xe, bật nước nóng trên đường bạn về nhà, mở cửa, bật đèn, điều hòa… tất cả chỉ bằng ý nghĩ của bạn.
Về phần các thao tác thần kinh ở chiều ngược lại, khi máy tính tương tác với não, Musk nói một con chip như của Neuralink có thể còn giúp mọi người "lưu và phát lại ký ức" giống như trong "Black Mirror".
Giáo sư Andrew Hires cho biết với Neuralink, Elon Musk đang một lần nữa dắt chúng ta vào một "vùng đất tưởng tượng đầy khát vọng". Vậy nên, công việc của chúng ta bây giờ chỉ là ngồi xuống và chờ đợi xem Neuralink có theo được đúng kế hoạch đề ra trong năm 2022 hay không, một thử nghiệm trên người đầu tiên cho giao diện não-máy tính của họ.
Tham khảo Businessinsider
https://genk.vn/elon-musk-noi-se-cay-chip-vao-nao-nguoi-trong-nam-nay-day-la-nhung-gi-chung-ta-biet-ve-du-an-do-20220216204324812.chn