Vài tuần trước khi vòng đầu tiên cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra, tập đoàn công nghệ khổng lồ Meta của Mỹ đã công bố một loạt các công cụ mới để ngăn chặn “thông tin sai lệch” trên các nền tảng mạng xã hội mà họ sở hữu, bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp.
Đài RT ngày 17-2 dẫn tuyên bố của Meta cho biết các công cụ này nhằm thúc đẩy “sự hiểu biết về truyền thông” ở Pháp và dạy cho người dân nước này “các phương pháp xử lý thông tin trực tuyến tốt nhất”.
Theo đó, người dùng WhatsApp nói riêng sẽ có thể báo cáo các thông tin mà họ cho là sai sự thật cho cơ quan giám sát mà Meta đã lựa chọn hợp tác cùng là hãng thông tấn Pháp AFP.
Trước đó, vào năm 2017, AFP đã ký hợp đồng với Facebook để cung cấp dịch vụ kiểm tra thông tin tại Pháp. Kể từ đó, hãng tin này đã mở rộng phạm vi phủ sóng sang nhiều quốc gia châu Âu khác, trong đó có Hy Lạp và Síp là những bổ sung mới nhất.
Một người đàn ông đi ngang qua tấm bảng hiệu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Meta của Mỹ. Ảnh: RT
Nói về việc hợp tác với AFP, Meta cho biết động thái này là “một bước quan trọng trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch” trên các nền tảng mạng xã hội của họ.
Tập đoàn công nghệ Mỹ nói thêm rằng họ đang chuẩn bị phát hành ba video về chủ đề liên quan, một trong số đó sẽ giáo dục cho người dân cách “phản xạ đúng” để phản ứng với “những thông tin không rõ ràng xuất hiện trong khoảng thời gian bầu cử.
Hai video còn lại cũng sẽ mang tính giáo dục. Một video sẽ được kết hợp sản xuất cùng Loopsider, một trang thông tin của Pháp được tạo ra vào năm 2018 để cung cấp những nội dung trực quan cho người xem.
Loopsider chuyên tạo ra các video ngắn dựa trên tin tức hiện tại và những câu chuyện mà nhiều người quan tâm nhằm mục đích đưa những nội dung này tới nhóm khán giả trẻ tuổi của họ thông qua mạng xã hội.
Và trong dự án kết hợp lần này với Meta, Loopsider sẽ hướng dẫn cho những người theo dõi của họ kỹ năng đối mặt và xử lý thông tin giả mạo, tương tự như những gì AFP và Meta làm.
Đại diện Meta cho biết họ hy vọng những công cụ mới của họ sẽ có hiệu quả, thêm rằng đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của họ nhằm sử dụng các nền tảng mạng xã hội để bảo vệ cuộc bầu cử tổng thống Pháp, diễn ra vào tháng 4 tới, khỏi bị can thiệp.
Trong khi đó, Viện Poynter, một trường dạy kĩ năng báo chí phi lợi nhuận của Mỹ, và đài truyền hình Pháp France 24 cũng đang hợp tác với nhau để cung cấp một khóa đào tạo miễn phí 10 ngày về cách “phát hiện các thuyết âm mưu, lừa đảo, thông tin sai lệch và các hình thức thao túng khác” trên internet.