vĐồng tin tức tài chính 365

Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm"

2022-02-18 19:29

Việt Nam đón hơn 8.900 khách du lịch quốc tế

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang dần phục hồi với sự tạo điều kiện của các Bộ, ngành. Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ phương án mở cửa du lịch toàn diện từ ngày 15/3 và đã được thông qua. Điều này khiến thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam có sự "trở mình" mạnh mẽ, đặc biệt trong thời gian tới.

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm'

Toàn cảnh toạ đàm chiều ngày 18/2.

Theo đó, chiều 18/2, phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Tập đoàn FLC tổ chức tọa đàm Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam được. Sự kiện có sự tham dự của nhiều chuyên gia, các Hiệp hội du lịch, chuyên gia du lịch, và đại diện hàng trăm doanh nghiệp lữ hành, hàng không uy tín trên toàn quốc.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11/2021 - 8/2), Việt Nam đón hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Việc thí điểm đón khách quốc tế được thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn, mang đến đa dạng trải nghiệm cho du khách như: du lịch thể thao, giải trí sôi động, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. 4 tháng thực hiện thí điểm đón khách quốc tế cũng giúp các địa phương có sự chuẩn bị nguồn lực, tích lũy kinh nghiệm để sẵn sàng mở rộng quy mô đón khách, sớm phục hồi du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng công bố dữ liệu nghiên cứu cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%.

Bối cảnh hiện tại đang mang đến cơ hội cũng như khả năng sớm phục hồi cho thị trường du lịch Việt Nam. Trong các địa phương có lợi thế trong việc thu hút khách đặc biệt là khách quốc tế như Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng.... Trong đó, Bình Định - địa phương thứ 6 đủ điều kiện đón khách quốc tế từ đầu năm 2022 đã chủ động xây dựng chiến lược mở cửa.

Có thể nói, đại dịch là biến cố chưa từng có với du lịch toàn cầu

Tại sự kiện, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có sự tham gia của nhiều ngành. Những năm qua, du lịch tỉnh Bình Thuận có sự phát triển, lớn mạnh cả về chất và lượng. Điều đó giúp tỉnh đạt được những kết quả tích cực như cuối năm 2019, tỉnh đón lượng khách trên 4,8 triệu lượt, tạo ra 123.000 việc làm, đóng góp 7,2% GRDP của tỉnh Bình Định.

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' (Hình 2).

Ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại toạ đàm.

Tuy nhiên, trước những tác động của Covid-19, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Cả năm 2020, tỉnh đón 2,2 triệu lượt khách, giảm 54% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu 2021, Bình Định đón trên 1,2 triệu khách, doanh thu đạt 1.616 tỷ đồng.

"Có thể nói, đại dịch là biến cố chưa từng có với du lịch toàn cầu, biến đây là chuỗi ngày tồi tệ nhất của du lịch toàn thế giới,

Sau 2 năm, các quốc gia điều chỉnh từ chiến lược "zero Covid-19" sang sống chung với Covid-19, giúp ngành du lịch có những bước phục hồi đầu tiên. Trong đó, việc mở cửa phát triển kinh tế gắn với đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt người yếu thế là bài toán cần lời giải của các cơ quan quản lý nhà nước" - ông Giang nói.

Đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch - ngành kinh tế vàng của Việt Nam bứt phá

Tiếp đó, ông ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chia sẻ: "Thông tin Chính phủ đề xuất mở cửa du lịch từ 15/3, là tín hiệu tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện. FLC mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, trong đó có Bình Định quảng bá tiềm năng, kích cầu du lịch. 

Theo đó, một quy trình toàn diện, có sự chung tay của các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, sự nhất quán về chính sách sẽ là giải pháp hữu hiệu, giúp du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng với kịch bản tích cực nhất.. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch - ngành kinh tế vàng của Việt Nam bứt phá, khi các du khách quốc tế đặc biệt đánh giá cao yếu tố an toàn trong điểm đến du lịch, trong đó có Bình Định".

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' (Hình 3).

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

"Tình hình đón khách trong 3 tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 tương đối khả quan. Lượng du khách nội địa đi du lịch, nghỉ dưỡng nhiều hơn, không chỉ Quy Nhơn mà cả Phú Quốc, Đà Nẵng. Chỉ trong vài ngày Tết Nguyên đán, toàn bộ quần thể của FLC Quy Nhơn đã đón 10.000 khách.

Trong năm 2021, hệ thống sân golf của FLC phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, song đến những ngày cuối năm đã hoạt động hết công suất. Có những ngày chúng tôi đón trên 1.000 khách, tổ chức nhiều giải đấu, thu hút nhiều ngôi sao đến với bộ môn này" - Ông Hùng chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp này đề xuất đưa du lịch golf làm điểm nhấn thu hút khách quốc tế. Ngày 24/2, FLC sẽ kí hợp đồng với đối tác Hàn Quốc trị giá 2,2 triệu USD. Đây được kỳ vọng là cơ hội quảng bá FLC, du lịch golf cũng như toàn ngành du lịch.

Người dân đã sẵn sàng hưởng ứng đi du lịch

Khi được hỏi: Mới đây đã có nhiều quốc gia quyết định mở cửa du lịch như Indonesia, Thái Lan, Lào,… Tại Việt Nam, theo lộ trình mới được thông qua, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, ngành du lịch cũng mở cửa hoàn toàn. Vậy chúng ta có thể học được gì từ các nước để áp dụng vào Việt Nam? Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay: "Chúng ta mở cửa và cũng tự tin với quyết định mở của của Chính phủ, tự tin với nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, với hình ảnh Việt Nam đã được lan tỏa trong cộng đồng quốc tế. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chúng ta đã thấy lượng người dân đi du lịch hùng hậu, với hơn 6 triệu lượt khách chỉ trong vỏn vẹn 9 ngày nghỉ. Điều này cho thấy, người dân đã sẵn sàng hưởng ứng đi du lịch. Đó là lợi thế.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta còn có nhược điểm là có nhiều điểm còn chưa nhạy bén như việc quyết tâm mở cửa. Chúng ta rất thận trọng khi phát ngôn, tuyên bố mở cửa. Nếu Chính phủ không thể hiện quyết tâm mở cửa thì người dân không thể theo.

Mặt yếu nữa là thiếu nhất quán trong các chính sách giữa các địa phương, như các chính sách cách ly đối với người dân, chính sách xuất nhập cảnh của khách du lịch. Tới thời điểm này, trách nhiệm đang đặt lên vai các doanh nghiệp du lịch, phải chứng minh chính sách mở cửa là đúng đắn. Chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn".

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' (Hình 4).

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Ông Bình cũng cho hay: "Người ta khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà mở cửa du lịch còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước.

Chính vì vậy, nhiều bộ ban ngành và các địa phương đã bày tỏ thái độ ủng hộ việc mở lại du lịch. Lập tức chính phủ đã nhanh chóng đưa ra quyết định mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3. Việc mở cửa du lịch không chỉ là từnguyện vọng của người dân mà còn cho thấy được năng lực của các bộ ban ngành trong việc đáp ứng trong trạng thái bình thường mới.

Hiện tại, điều cần làm là phải mở cửa nhanh du lịch và tập trung làm thế nào để triển khai trong trạng thái bình thường mới. Ở Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều sự tranh luận về việc mở cửa du lịch. Tuy nhiên nhìn chung, thế giới có xu hướng mở cửa trở lại".

Trả lời cho những tranh luận, ông Bình cho rằng: "Vấn đề là sự kiên quyết chúng ta có làm được hay không du việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tôi tin sẽ làm được".

Ở một số nước, đặc biệt là ở Châu Âu đã mở cửa lại du lịch rất nhanh, người dân đã bắt đầu đi du lịch và cảm giác cuộc sống của họ đã trở lại bình thường. Họ đi ăn uống, đến nhà hàng, đến các điểm tham quan. Người dân đã bước vào giai đoạn bình thường mới, coi việc sử dụng khẩu trang, khai báo y tế, thẻ vắc xin là việc bình thường. Điều này cho thấy sự lan toả từ chủ trương nhà nước đã thấm vào cuộc sống của người dân. Họ đã quen với bình thường mới với những thứ không bình thường trước đây.

Tại Việt Nam, chúng ta mở cửa chậm hơn nhưng cũng có sự đồng hành của các cấp ngành cùng với người dân địa phương trong trạng thái bình thường mới".

Nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa khởi động lại, có mở cửa nhưng chưa hoàn toàn

Trong khi đó, bàn về chương trình tái khởi động du lịch với nội địa và quốc tế trong thời gian qua, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) chia sẻ: "Thời gian qua, có 6,1 triệu khách du lịch nội địa trong dịp Tết, với 3,2 triệu khách lưu trú. Doanh thu du lịch tuy còn khiêm tốn nhưng ở mức ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa khởi động lại, có mở cửa nhưng chưa hoàn toàn. Đây là những vấn đề cần tính toán trong bối cảnh mở cửa bình thường mới, không chỉ ở chính sách mà cả hạ tầng, điều kiện, để khi mở cửa phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ.

Trước đó, tháng 11 năm ngoái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhận được sự ủng hộ của các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp. Đã có 9.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp Tết nguyên đán, thể hiện sự quan tâm của thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nga...".

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' (Hình 5).

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch.

"Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thí điểm triển khai mở cửa, vẫn có những khó khăn. Như Hàn Quốc điều chỉnh chính sách chống dịch vào tháng 12, hay Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "zero Covid-19", khiến hợp đồng du lịch đến Việt Nam hạn chế lại.

Đại diện vụ lữ hành cho hay, việc hàng không tăng cường kết nối sẽ là những bước khởi động cho hoạt động du lịch phục hồi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tham mưu, đề xuất Chính phủ, lấy ý kiến về lộ trình mở cửa, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đến năm 2023.

Đặc biệt, theo lộ trình mở cửa từ 15/3 sẽ theo bối cảnh bình thưởng mới, linh hoạt hơn, như trước đây yêu cầu xét nghiệm PCR, đi tour trọn gói 3 ngày, thì nay hàng không có hai phương án áp dụng, như xét nghiệm có giá trị 72 giờ, ở các thị trường khó khăn có thể xét nghiệm nhanh có giá trị 24h, không phải test tại sân bay mà về cơ sở lưu trú. Điều này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và khách du lịch", ông Phương nói.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho hay, Covid-19 không giết được ngành du lịch, mà chỉ làm ngành tạm thời ngừng trệ. Bởi vậy, ngay khi dịch bệnh từng bước khống chế, du lịch sẽ sớm phục hồi, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của con người. "Tôi tin tưởng du lịch sẽ sớm trở lại", ông Đức nói.

Theo ông Đức, nếu như trước đây ngành tập trung du lịch quốc tế, thì giờ Việt nam đứng trên hai chân kiềng, nội địa và quốc tế.

Về du lịch nội địa, các doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhu cầu người dân rất cao, minh chứng ở kết quả du lịch dịp Tết Nguyên đán. Ông Đức nhấn mạnh, giai đoạn này, một là các doanh nghiệp phối hợp với nhau, làm mới sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới; hai là đẩy mạnh truyền thông để kích hoạt nhu cầu của người dân, khẳng định ngành du lịch an toàn với những sản phẩm phù hợp.

Về du lịch quốc tế, ông Đức nhấn mạnh các cơ quan, ban ngành nên có những chương trình riêng để thu hút du khách cả ngắn hạn và dài hạn.

"Tôi sang dự hội thảo du lịch Dubai Expo, họ thích những sản phẩm du lịch của chúng ta. Điều quan trọng chúng ta cần quảng bá, đẩy mạnh truyền thông", ông Đức nói.

Theo Vụ trưởng Vụ thị trường Du lịch, thời gian tới đơn vị xác định vẫn tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường "truyền thống" như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu..., đặc biệt các nước thừa nhận hộ chiếu vắc-xin.

Với phương diện của một du khách, chúng tôi “mót” đi lắm rồi!

Với vai trò là một du khách, nhà báo Trương Anh Ngọc - Thông tấn xã Việt Nam cho hay: "Với phương diện của một du khách, chúng tôi “mót” đi lắm rồi! Nên khi đọc được chính sách mới của Chính phủ, sẽ mở cửa du lịch từ 15/3, chúng tôi rất mừng. Dù vậy, tôi cho rằng, đáng ra chúng ta có thể mở cửa sớm hơn, khi Việt Nam có độ phủ vaccine ở mức cao. Chúng ta mở cửa và điều quan trọng là chúng ta phải có các quy tắc ứng xử, đối xử đối với du khách một cách bài bản, rõ ràng. Hiện chúng ta chưa có sự thống nhất cụ thể cho các địa phương. Chúng ta hãy coi du khách là cơ hội, chứ không phải là nguy cơ.

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' (Hình 6).

Nhà báo Trương Anh Ngọc.

Chúng ta mở cửa nhưng tôi thấy sự chuẩn bị vẫn còn mông lung lắm. Chúng ta vẫn nói đây chính là "cơ hội vàng", nhưng vẫn không thấy cụ thể cơ hội vàng nằm ở chỗ nào? Thái Lan đã mở cửa du lịch khi số ca nhiễm gấp 3 - 4 lần Việt Nam nên tôi mới nói chúng ta mở cửa bây giờ là hơi muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không. Chỉ còn cách tiến về phía trước, đã mở rồi thì không nên đóng nữa. 

Cách đây 10 năm, khi đọc các bài về du lịch Việt, tôi thường đọc thấy chữ “tiềm năng”, và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy hai chữ “tiềm năng”. Theo đó, tôi cho rằng, chỉ tới khi nào chúng ta không còn phải dùng chữ “tiềm năng” nữa thì tức ngành du lịch của chúng ta đã phát triển rồi".

Ngành du lịch nhiều địa phương gần như “đóng băng” do đại dịch

Nói về khó khăn của du lịch Bình Định trong gần hai năm qua, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, ngành du lịch Bình Định cũng như nhiều địa phương khác gần như “đóng băng” do đại dịch. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, khi có các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch Bình Định đã có các văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú về việc đón khách.

Đối với khách nội địa, có thời điểm khó khăn lớn nhất là mỗi nơi một chính sách. Ví dụ, Bình Định đã có chính sách nhất quán về đón khách du lịch nhưng một số phường, xã vẫn có những quy định riêng gây khó, thậm chí gây khó cho cả những người dân Bình Định ở địa phương khác về quê.

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' (Hình 7).

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định.

Theo ông Thanh, đến cuối tháng 1 số lượt khách đến Bình Định hầu như rất ít. Đó là điều đáng buồn. Nhưng tín hiệu đáng mừng là đến mùng 2 Tết vừa rồi, du khách từ Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk,… đến Bình Định tăng mạnh, hầu hết là khách đi phương tiện cá nhân. Sau hội nghị này đầu tháng 3, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị bàn, tháo gỡ vấn đề này, khôi phục nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Trước đây, khi nghe đến khách đến từ các điểm nóng dịch như TP.HCM hay Hà Nội thì nhiều cơ sở lưu trú cũng như người dân Bình Định né nhưng vài tháng trở lại đây khi tỷ lệ tiêm vắc -xin cao, người dân xem việc đón khách từ địa phương khác là bình thường. Với khách quốc tế cũng vậy, sẵn sàng đón tiếp, không có sợ Covid-19 như trước.

Chúng ta đang mắc kẹt trong việc định vị thương hiệu quốc gia

Ông Phạm Hà, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Lux Group, đơn vị du lịch chuyên về tàu biển, du thuyền, cho biết, Việt Nam mở cửa du lịch chậm so với các nước trong khu vực, rất cần sự kết nối, tập trung vào các thị trường cụ thể.

Theo ông Hà, điểm mạnh của du lịch Việt Nam ngoài thắng cảnh, còn có văn hóa, nhưng chúng ta đang mắc kẹt trong việc định vị thương hiệu quốc gia.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, du lịch Việt Nam cũng đang đối mặt với 4 khó khăn. Thứ nhất là chính sách. Thứ hai là nhân sự. Thứ ba là sản phẩm du lịch vừa thừa vừa thiếu; thừa những sản phẩm chung chung, thiếu sản phẩm đặc trưng. Thứ tư là việc xúc tiến chưa hiệu quả do chưa định vị được thương hiệu quốc gia nên xúc tiến chưa hiệu quả.

Bốn điểm này cần tháo gỡ sau Covid-19 thì mới khôi phục được hoạt động du lịch. Về phía Lux Group, ông Hà cho biết, doanh nghiệp ngay từ tháng 6/2021 đã chuyển hướng sang khách nội địa và duy trì đội ngũ nhân sự, nên có thể sẵn sàng đón khách quốc tế khi du lịch mở cửa toàn diện.

Ông Mai Đình Toàn, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, Bamboo Airways có thuận lợi là thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC, nên có thể kết hợp với hệ thống cơ sở lưu trú của tập đoàn để đẩy mạnh hoạt động.

"2 năm qua chúng tôi tìm các phương án ứng phó thích ứng linh hoạt, vừa chống dịch vừa hoạt động kinh tế. Chúng tôi tiếp tục duy trì tàu bay, nghiên cứu phát trển các mảng, phát triển đường bay mới như đi Côn Đảo, Điện Biên Phủ", ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, sức bật của du lịch trong nước rất mạnh, nên khi có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, các đường bay nội địa đã thu hút được khá nhiều hành khách.

Do đó, trong chiến lược giai đoạn sắp tới, Bamboo Airways sẽ tiếp tục mở thêm các đường bay từ các thị trường ngách như Đà Lạt, Hải Phòng, Phú Quốc,… đến Quy Nhơn với kỳ vọng sẽ tạo ra mạng bay lớn hơn đến Quy Nhơn nói riêng và đến các địa phương trên cả nước nói chung.

Cùng với đó, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hãng sẽ tiếp tục phát triển mạng bay quốc tế. “Chúng tôi đã, đang và sẽ triển khai nhiều đường bay mới đến các nước châu Âu và châu Á trong thời gian tới”, ông nói.

Hướng tới mốc 15/3, khi du lịch được mở hoàn toàn, ông Vũ Thế Bình cho hay: "Chúng ta còn gần 1 tháng để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch. Sản phẩm sau Covid-19 sẽ phải rất khác biệt so với sản phẩm trước Covid-19. Du lịch phải phát triển dựa trên nhu cầu thực sự của người dân, phải phát triển các sản phẩm mới, phù hợp hơn như du lịch liên quan đến sắc đẹp, sức khỏe, du lịch liên quan đến thể thao,… Quan trọng là sản phẩm du lịch phải đảm bảo các yếu tố về môi trường.

Tất cả các cố gắng của ngành du lịch cần phải được truyền thông để người dân hưởng ứng, đặc biệt là ứng xử của người dân đối với du lịch, với người làm du lịch. Chúng ta phải nói với thế giới chúng tôi đã thay đổi, chúng tôi có nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, chúng tôi sẽ cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nước trong khu vực và thế giới".

Chúng ta đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm"

Ông Nguyễn Trùng Khánh -Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho hay: "Đại dịch Covid-19 trong 2 năm đã tác động nặng nề. Qua 2 năm phòng chống dịch, ý thức người dân được nâng cao, sự phát triển trong công nghệ phòng chống dịch, thuốc điều trị là điều kiện giúp Việt Nam mở cửa an toàn. Tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức như rủi ro về biến chủng mới. Bên cạnh đó, còn có sự chênh lệch về mức độ bao phủ vắc-xin giữa các địa phương và giữa các độ tuổi.

Ngày hôm nay chúng ta không nhìn vào hậu quả của Covid-19 tác động đến du lịch ra sao mà nhìn vào tương lai của ngành, chúng ta đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" rồi.

Kinh tế vĩ mô - Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' (Hình 8).

Ông Nguyễn Trùng Khánh -Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Tuy nhiên hiện tại, ngành du lịch đã có nhiều hy vọng phát triển nhờ chủ trương và sự quan tâm của các cấp, Quốc hội, bộ ban ngành và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy du lịch. Đại dịch cũng là cơ hội nhìn nhận lại vai trò ngành du lịch khi sự tác động đến ngành gây ra hệ luỵ đến các ngành nghề khác.

Trong thời gian qua, ngành du lịch đã triển khai nhiều hoạt động và có kết quả trong việc khôi phục du lịch như đón khách du lịch nội địa, thí điểm đón khách quốc tế. Tuy nhiên, những nỗ lực này còn mang lại kết quả còn khiêm tốn. Kết thúc 2021, ngành du lịch phục vụ 40 triệu khách nội địa, đón 3.800 khách quốc tế. Chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2 đã đón gần 9.000 khách quốc tế. 9 ngày tết đã đón được 6,1 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu là 25.000 tỷ đồng. Những số liệu đó cho thấy du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhưng sẽ có sức bật nhanh chóng nếu chuẩn bị kỹ để phục hồi".

Các sản phẩm du lịch sẽ tiếp cận xu hướng số hoá

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm: "Tổng cục Du lịch sẽ hoàn thiện các thông tin cơ bản về phương án, lộ trình mở cửa du lịch đến 15/3, trong đó có nhiệm vụ số hoá điểm đến, theo Nghị quyết 11 về phục hồi phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, các sản phẩm du lịch sẽ tiếp cận xu hướng số hoá. Tổng cục Du lịch đang làm việc sơ bộ với các cơ quan thông tấn quốc tế như CNN, CNBC, hướng tới thị trường thị trường cao cấp, trung lưu. Tổng cục cũng đề xuất với bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc thành lập Văn phòng thí điểm xúc tiến du lịch Quốc gia".

 

Ảnh: Giang Huy

Xem thêm: lmth.564345a-mah-gnoud-iouc-gnas-hna-yaht-nihn-ad-at-gnuhc-2202-hcil-ud-auc-om/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mở cửa du lịch 2022: Chúng ta đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools