Triển khai đồng loạt 12 dự án
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, chia thành 12 đoạn thành phần, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình Ảnh: Phạm Thanh
Tin từ Bộ GTVT cho hay, cả 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 được triển khai đồng thời, đảm bảo mục tiêu mỗi dự án khởi công ít nhất 1 gói thầu vào cuối năm nay. Tùy vào địa chất từng dự án, địa phương nào giải phóng mặt bằng trước sẽ thi công trước. Tới nay, Bộ GTVT đã cơ bản thống nhất với các địa phương về hướng tuyến, tới ngày 15/3 sẽ chốt và bàn giao mốc giới dự án cho các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng với dự án thuận lợi, và trước 30/6 với dự án địa chất phức tạp.
Trong 12 dự án thành phần, tới nay đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã cơ bản thống nhất hướng tuyến, ít đi qua khu dân cư, có thể triển khai được sớm. Trong khi đó, khu vực miền Trung nhiều đoạn đi qua đất quốc phòng, rừng phòng hộ, khu dân cư nên có thể mất nhiều thời gian hơn. Dự kiến, Chính phủ sẽ lập Ban chỉ đạo về các dự án giao thông trọng điểm, ngoài chỉ đạo dự án cao tốc Bắc - Nam, còn các dự án lớn khác, như sân bay Long Thành...
"Đề xuất Chính phủ lập ban chỉ đạo quốc gia, để đảm bảo chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất, tập trung, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương làm một kiểu, can thiệp làm ảnh hưởng tới dự án"
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng
Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
Bộ GTVT đã giao các ban quản lý dự án làm chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, tới ngày 31/5 phê duyệt báo cáo với dự án địa chất thuận lợi, các dự án còn lại phê duyệt muộn nhất trong tháng 6/2022. Bộ này cũng có văn bản đề nghị các địa phương triển khai ngay các bước giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng sạch trong năm nay để khởi công, phần còn lại bàn giao trong quý 2/2023.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, bộ sẽ ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập cho các Ban quản lý dự án trong suốt quá trình thực hiện. Bộ đã yêu cầu người đứng đầu các ban quản lý dự án phải trực tiếp xuống hiện trường để khảo sát, trao đổi với các địa phương chốt hướng tuyến từng dự án. Muốn dự án đúng tiến độ và chất lượng, theo ông Thể, công tác chuẩn bị hồ sơ phải làm tốt ngay từ đầu. Đồng thời, các ban quản lý dự án phải phối hợp tốt với địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; rà soát kỹ nguồn vật liệu phục vụ thi công.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện, các ban quản lý dự án, đơn vị liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng quy định, vi phạm hợp đồng đã ký”, ông Thể yêu cầu.
Lo mặt bằng, vật liệu, năng lực nhà thầu
Dù áp dụng một số cơ chế đặc thù, nhưng theo các chuyên gia, những vấn đề luôn cản trở tiến độ dự án hiện vẫn có thể xảy ra như: vướng mặt bằng, thiếu vật liệu. Chẳng nói đâu xa, ngay với 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 đang xây dựng cũng gặp phải các vấn đề này, với 8 đoạn đầu tư công có 3 đoạn chậm tiến độ (đoạn Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây).
Trao đổi với PV Tiền Phong về 12 đoạn cao tốc tới đây, chuyên gia giao thông - TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn tới vẫn đối mặt khó khăn "cố hữu" trong đầu tư công, là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu, phối hợp giữa các cơ quan. Đặc biệt, các đoạn cao tốc triển khai lần này đối mặt sức ép rất lớn về tiến độ, giải ngân, để sớm nhất đưa vốn vào hỗ trợ nền kinh tế sau dịch bệnh. Với cơ chế chỉ định thầu, theo ông Đức, quá trình triển khai làm các đoạn cao tốc sẽ rút ngắn được nhiều thời gian so với đấu thầu. Tuy nhiên, chỉ định thầu cũng tồn tại nguy cơ nhà thầu yếu kém, lợi ích nhóm, nên các nước thường không khuyến khích hình thức này. Do đó, để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, giá cả hợp lý... cơ quan quản lý cần công tâm, đưa ra tiêu chí chỉ định cụ thể, công khai để người dân, các doanh nghiệp khác giám sát. “Dù chỉ định thầu cũng cần tiêu chí rõ ràng để sàng lọc nhà thầu yếu kém. Xây dựng tiêu chí không khó vì chúng ta có kinh nghiệm làm nhiều cao tốc. Nhà thầu nào tốt, chưa tốt đều có thể đánh giá qua dữ liệu, tiêu chí chủ đầu tư đặt ra”, ông Đức nói.
PGS.TS Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) cho rằng, đấu thầu hay chỉ định thầu đều để chọn nhà thầu có năng lực, xây dựng dự án đúng tiến độ, chất lượng, tiết kiệm. Dù chỉ định thầu cũng cần công khai, minh bạch, tiêu chí rõ ràng để hạn chế nhà thầu thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính yếu, điều đã từng xảy ra trước đây.
Bên cạnh đó, theo ông Chủng, mặt bằng luôn là vấn đề làm “đau đầu” các nhà thầu, nó không chỉ làm dự án chậm tiến độ mà còn ảnh hưởng chất lượng công trình. Do đó, vị chuyên gia này đề xuất địa phương chủ động và trách nhiệm hơn, nhất quán trong đền bù, hỗ trợ tái định cư; địa phương nào giải phóng mặt bằng tốt thì dồn vốn giải ngân trước.
Về vấn đề vật liệu san lấp nền đường, địa phương có thể yêu cầu các chủ mỏ cam kết nguồn cung và giá cả cho các dự án mới đưa vào quy hoạch hoặc cấp phép, tránh tình trạng chèn ép giá khi dự án đã khởi công, thiếu nguồn vật liệu.
Theo Lê Hữu Việt
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.89233639081202202-hcab-hnim-iahk-gnoc-nac-nav-uaht-hnid-ihc-man-cab-cot-oac-naod-21/nv.zibefac