Ghi nhận của PV Tiền Phong, hai hồ Xuân Quế - Sơn Thủy nằm trong ngõ 264 đường Ngọc Thụy - ngay trong lòng khu dân cư. Hai hồ liền sát nhau rộng hơn 1,2ha đã được kè xung quanh bờ tạo cảnh quan. Hồ đang có dãy chòi lá được dựng lên để làm dịch vụ câu cá. Liền kề với hai hồ là khu đất khá rộng, được quây tôn từ vài năm qua. Người dân cho biết, trước đó là đất ruộng “xen kẹt”, đã có chủ, được phân lô thành đất ở.
Bà Nguyễn Thị Lan (người được gần 100 hộ dân đang sinh sống ở Tổ dân phố 11 ủy quyền đại diện) cho biết, đây là hai hồ tự nhiên đã tồn tại gần 4 thập kỷ. Vào năm 1990, khi đó là xã Ngọc Thụy, các hồ này đã được giao thầu cho một số hộ gia đình cải tạo nuôi trồng thủy sản. Sau đó các hộ được thuê hồ mở dịch vụ hồ câu, hàng năm đóng thuế theo quy định. Thế nhưng gần đây UBND phường có thông báo sẽ san lấp hồ để làm đất ở. "Ao hồ ở Hà Nội còn rất ít, đây là những "lá phổi xanh" điều hòa không khí, môi trường cho cộng đồng. Nếu san lấp thì rất bất cập", bà Lan nói.
Gần 100 hộ dân Tổ dân phố số 11, 12 đã viết đơn kiến nghị nguyện vọng mong muốn giữ lại hai hồ để làm đẹp cảnh quan, tạo không gian công cộng cho địa bàn. Đồng thời cũng là nơi điều tiết nước mỗi khi mưa bão, tránh úng ngập cục bộ do khu vực này là vùng trũng nhất của phường.
Hồ câu Xuân Quế sắp bị lấp để xây dựng hạ tầng
Lấp hồ 1ha bổ sung 3 hồ 12ha?
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Long Biên cho biết, 2 hồ nước nói trên có nguồn gốc là đất công. Sau khi giao khoán cho một số hộ dân thì họ đào hồ và làm dịch vụ nhà hàng, câu cá. Hợp đồng giao khoán đã hết hạn từ lâu, hiện nay quận đang tiến hành giải phóng mặt bằng để thực hiện đấu giá phục vụ các dự án nhà ở, tạo cảnh quan và nguồn thu cho ngân sách thành phố, ngân sách quận.
Đại diện UBND quận Long Biên cho biết thêm, hiện nay 2 hồ trên đều là hồ kinh doanh dịch vụ câu cá, ăn uống, người dân muốn vào đều phải trả phí do đó cũng không phục vụ cho cộng đồng.
Đối với lo ngại về thoát nước, cảnh quan, ông Đỗ Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Long Biên khẳng định: "Bản thân 2 hồ nước này là hồ kín để nuôi cá, không giúp thoát nước cho địa bàn dân cư". Sau khi san lấp hồ, hệ thống hạ tầng sẽ được quy hoạch đồng bộ, hệ thống thoát nước mưa được thu gom toàn bộ đấu nối với hệ thống thoát nước chung của quận. Để đảm bảo hồ thoát nước, điều hòa không khí cho khu vực, đã có 3 hồ lớn được quy hoạch với tổng diện tích hơn 12ha (tương đương gấp đôi diện tích hồ Hoàn Kiếm). Cả 3 hồ đều sẽ được phê duyệt dự án trong năm 2022. "Các hồ chứa đều được đầu sâu 3,5 mét, có trạm bơm nước, đảm bảo hút nước theo yêu cầu thoát nước của thành phố", ông Dũng nói.
Trước đó, ngày 11/9/2015, UBND thành phố ban hành Quyết định về chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Ngọc Thụy, phường Thượng Thanh.
Theo đó, chấp thuận giao UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư các ô quy hoạch có ký hiệu A4/NO4; A8/NO1; A8/NO2; A4/HH2; A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn phường Ngọc Thụy.
Do các dự án đã được thành phố Hà Nội chấp thuận cơ chế sử dụng vốn cân đối ngân sách quận, vì vậy HĐND quận Long Biên có thể xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Ngày 31/10/2016, UBND quận Long Biên đã ban hành Quyết định xây dựng hạ tầng kỹ thuật các ô quy hoạch này và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất phường Ngọc Thụy.
Mục tiêu dự án để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất sạch các khu đất thuộc ô quy hoạch trên, nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch để quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai trên địa bàn quận; tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố và quận. Đồng thời cải thiện cảnh quan khu vực, vệ sinh môi trường, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông nội bộ và khu vực, đóng góp vào quá trình phát triển đô thị.
Theo Trần Hoàng
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.92311126181202202-tad-aig-uad-ed-pal-nas-ib-pas-coun-oh-2-uig-ihgn-ed-nad-uc-ion-ah/nv.zibefac