Sau 2 ngày đi học, bé Nguyên Th. (học sinh tiểu học ở quận 7, TP.HCM) phải chuyển sang học online vì trong lớp có ca F0 - Ảnh: T.T.D.
Chị T. là phụ huynh học sinh lớp 2 một trường tiểu học tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết.
Mỗi nơi mỗi kiểu
Chị T. kể: "Theo hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, chúng tôi tự test COVID-19 cho con mình ở nhà và báo kết quả cho cô. Tôi cứ tưởng những bé có kết quả âm tính thì được đi học. Nhưng không, cả lớp phải ở nhà học online. Sau 3 ngày ở nhà, chúng tôi lại test cho con và đến ngày 18-2 các bé mới được đi học trở lại".
Trong khi đó, anh H. - phụ huynh học sinh lớp 6 một trường THCS nổi tiếng ở quận 3 - kể: "Niềm vui khi được đi học trực tiếp của con tôi chỉ được đúng 2 ngày. Trong lớp của con có một học sinh là F0, thế là tất cả học sinh trong lớp đều phải nghỉ ở nhà 14 ngày để theo dõi. Con tôi còn nói, những học sinh ngủ trưa với bạn bị F0 cũng phải ở nhà 14 ngày".
Anh H. thắc mắc: "Có nhất thiết phải cho học sinh là F1 ở nhà 14 ngày hay không? Giai đoạn này đang được xem là thời gian vàng để tranh thủ cho trẻ đến trường, mỗi lần trong lớp có F0 mà cả lớp phải ở nhà đến 14 ngày thì rất thiệt thòi cho học sinh. Chưa kể, theo cách xác định F1 của ngành y tế thì không hẳn học sinh cả lớp đều là F1".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, hiệu trưởng của trường THCS trên giải thích: "Nhà trường làm theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế quận 3. Với học sinh lớp 7, 8 và 9, khi trong lớp có F0 thì F1 vẫn đi học bình thường nếu có kết quả test âm tính. Riêng học sinh từ mầm non đến lớp 6, do chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nếu trong lớp có 1 học sinh F0 thì cả lớp phải nghỉ ở nhà và học online 14 ngày để cách ly. Học sinh khối 6 mới đi học lại từ ngày 14-2 đến nay mà trường chúng tôi đã có ba lớp 6 phải nghỉ học".
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP.HCM xử lý F1 rất khác nhau: có trường cho học sinh cả lớp nghỉ học 3 ngày, có trường cho nghỉ 7 ngày, trường cho nghỉ 14 ngày...
Cần hiểu rõ định nghĩa F1
Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 18-2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết sở vừa có tờ trình UBND TP ban hành văn bản thống nhất trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, được biết TP có đề xuất giảm thời gian cách ly F0 là học sinh nếu không nặng để vừa đảm bảo sức khỏe vừa không ảnh hưởng đến việc học của các em.
Liên quan đến việc xác định người F0, F1 trong lớp học, bà Mai cho biết trong cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương vào ngày 17-2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Giáo dục - đào tạo và Bộ Y tế thống nhất hướng dẫn toàn quốc.
Như vậy, hiện quy trình xử lý học sinh là F0, F1 tại các trường ở TP.HCM vẫn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn mới, ngành y tế TP cũng có hướng dẫn cho các trường học trên địa bàn TP cần xác định F1 theo đúng định nghĩa mới của Bộ Y tế, những trường hợp khác vẫn đi học bình thường.
F1 được xác định khi có 1 trong 4 yếu tố: tiếp xúc cơ thể trực tiếp với F0; đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m hoặc trong không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0; không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0...
Khi học sinh được xác định là F1, phụ huynh cho trẻ ở nhà để theo dõi sức khỏe và làm xét nghiệm theo quy định. Đối với F1 đã tiêm đủ liều vắc xin thì ở nhà không quá 7 ngày, F1 chưa được tiêm đủ liều vắc xin ở nhà không quá 14 ngày.
"Khi xác định F1 đúng định nghĩa theo Bộ Y tế thì sẽ rút nhỏ lại số lượng học sinh là F1, chứ không phải cả lớp giống như một số trường đang áp dụng rất cứng nhắc hiện nay. Những trường hợp F1 không nằm trong định nghĩa thì vẫn đi học bình thường", bà Mai nói.
Còn trong trường hợp khi phát hiện trẻ mắc COVID-19 tại trường học, theo hướng dẫn Bộ Y tế, cần chuyển ngay trẻ bệnh (F0) xuống phòng cách ly tạm thời của trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế để cùng xử lý. Các học sinh khác ngồi yên tại chỗ, đồng thời tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế và xét nghiệm nhanh mẫu gộp cho toàn bộ lớp đó, khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Nguồn: Bộ Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - Tổng hợp: XUÂN MAI - Đồ họa: T.ĐẠT
F0 điều trị tại nhà bị sốt dùng thuốc thế nào?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
* Người lớn sốt > 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều:
- Uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4 - 6 giờ, ngày không quá 4 viên.
- Uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
* Trẻ em sốt > 38,5 độ C:
- Uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4 - 6 giờ, ngày không quá 4 lần.
Sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, người mắc COVID-19 thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí.
DƯƠNG LIỄU
Hà Nội: học sinh từ lớp 1 - 6 ở 12 quận hoãn trở lại trường
Ngày 18-2, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội hoãn cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành trở lại trường vào thứ hai tuần tới (21-2).
Theo đó, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận của Hà Nội sẽ chưa đến trường học trực tiếp vào ngày 21-2 và tiếp tục học trực tuyến như trước.
Sự thay đổi này căn cứ vào tính chất phức tạp của dịch tại Hà Nội; nhiều phụ huynh hoang mang, không yên tâm cho con trở lại trường.
Trước đó, trong cuộc họp vào sáng 18-2, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết sở cũng tính đến phương án cho học sinh trong nhóm đối tượng trên trở lại trường theo nguyên tắc tự nguyện của cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, khảo sát ý kiến cha mẹ học sinh ở nhiều trường học cho kết quả đa số mong muốn học sinh chưa trở lại trường vào thời điểm này.
Hiện tại Hà Nội đã cho phép học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên toàn thành phố và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã trở lại trường. Tuy nhiên, số học sinh, giáo viên là F0 tăng nhanh sau khi học sinh trở lại trường gây lo ngại cho nhiều phụ huynh.
VĨNH HÀ
TTO - Tiến sĩ Kidong Park nhấn mạnh những lợi ích về mặt xã hội và phát triển toàn diện khi trẻ em được trở lại trường học là vượt trội so với những rủi ro đến từ dịch bệnh.
Xem thêm: mth.26565022281202202-ioub-1-gnud-iot-noc-auc-coh-id-iuv-mein/nv.ertiout