Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong 2 năm qua dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, việc kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng.
Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu (đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp) chưa được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Trong 5 năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đến ngày 15.8.2022, Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực thi hành. NHNN đã kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét xây dựng Luật về xử lý nợ xấu.
Khách mời sẽ trình bày tham luận tại hội thảo bao gồm: Đại diện Ngân hàng Nhà nước, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế; Ông Phan Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc BIDV; Ông Trần Minh Đạt - Phó Tổng giám đốc MB; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng; Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật ANVI).
Hội thảo truyền hình trực tiếp trên www.laodong.vn và Báo Chính phủ www.baochinhphu.vn.