Máy ECMO mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân mắc COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Kiểm tra lại tất cả các việc liên quan được tổ chức ngay sau khi tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát, theo tôi là việc làm rất kịp thời và hoan nghênh.
Nhìn lại một quá trình
Đọc kỹ thông tin trên, chúng ta sẽ thấy ông Vũ Văn Họa - phó tổng Kiểm toán Nhà nước - cho hay quyết định kiểm toán chuyên đề "lớn và chưa có tiền lệ" lần này là kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ.
Mục tiêu kiểm toán nhằm đánh giá tính khả thi, kịp thời trong việc ban hành và tuân thủ các văn bản về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực một số chính sách đối với lực lượng tuyến đầu, bệnh nhân, người lao động và chính sách an sinh xã hội.
Như vậy quá rõ, trong năm 2021 vừa qua, Nhà nước đã chi một số tiền rất lớn cho một sự việc cũng thuộc dạng "chưa có tiền lệ" là đại dịch COVID-19.
Việc kiểm toán này sẽ cho thấy chúng ta đã sử dụng các nguồn lực thế nào, đúng hay sai, hợp lý hay không và ngay cả các quyết định sử dụng các nguồn lực ấy - có thể gọi nôm na là chính sách - đem lại hiệu quả thế nào, nhiều hay ít, có kẽ hở nào cho những người thực thi lợi dụng hay không.
Vì minh bạch, khách quan và văn minh
Nói như Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh, các đoàn công tác đã quán triệt tinh thần thu thập thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực, trên cơ sở đó phân tích đánh giá chính xác và phản ánh đúng công sức và kết quả trong phòng chống dịch.
Cũng sẽ có bộ ngành, địa phương được khen, cũng sẽ có bộ ngành, địa phương bị phê bình, thậm chí là phương án xử lý xấu hơn, không mong muốn với ai đó sau cuộc kiểm toán.
Đây là việc làm hết sức bình thường khi chúng ta hướng đến mọi việc của chính sách, của cuộc sống cần minh bạch, khách quan, dân chủ và rất văn minh. Điều này khác hẳn với quan điểm "đụng đến để bắt bớ" hay "ai cũng nhúng chàm" nên mới có kiểm tra, đối chiếu.
Nội dung của cuộc kiểm toán lần này còn nhắm đến khả năng phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục và xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đây là việc làm quá tốt trong bối cảnh chúng ta ngày càng có thể tiến đến những sự việc "chưa có tiền lệ" cần xài nhiều tiền hơn, cần ban hành nhiều quy định, chính sách hơn.
Để minh họa cho quan điểm này, chúng ta có thể nhắc lại việc điều tra vụ "thổi giá" kit xét nghiệm liên quan đến Công ty Việt Á.
Bỏ qua những nghi vấn từ chính công ty này thì với các địa phương, không phải nơi nào mua kit xét nghiệm của Việt Á cũng làm sai, cũng tư lợi, cũng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kiếm chác.
Đâu phải địa phương nào mua kit của Việt Á đều có sai phạm! Đâu phải "có mua thì có bắt tay nhau"! Lối suy nghĩ đầy nghi kỵ không có lợi cho sự phát triển chung, thậm chí còn vô tình xúc phạm những người làm tốt, làm đúng.
Kiểm toán sẽ cho ra nhiều kết quả
Tôi dùng chữ "kết quả" vì tin vào qua quá trình kiểm toán này, chúng ta có cái nhìn tổng thể khi đất nước đối mặt với một sự việc "chưa có tiền lệ".
Kiểm toán sẽ kiểm tra có định lượng cụ thể vào việc tham mưu, ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19; công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng kết đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ.
Như thế không chỉ là kiểm tra có định lượng về "tiền tệ" mà qua đó còn xem khả năng của các lãnh đạo bộ ngành, địa phương thế nào, đâu là ưu điểm hoặc hạn chế chủ quan và khách quan...
Rút kinh nghiệm từ "kết quả" ấy, chúng ta sẽ có những bước ứng phó kịp thời và đúng mực, đúng tính chất cho nhiều công việc lớn trên quy mô toàn quốc trong thời gian tới.
Kết quả của cuộc kiểm toán này kỳ vọng sẽ có báo cáo thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp và các cơ quan có thẩm quyền trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.
Từng cấp, từng ngành sẽ có cơ hội soi xét lại chính mình để tự tin hơn, quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn song song với việc có thể có những điều chỉnh thích hợp từ các cấp cao nhất.
TTO - Kiểm toán Nhà nước cho biết từ hôm 16-2 đến hết 31-3, sẽ kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ tại 9 bộ ngành và 32 địa phương.
Xem thêm: mth.25074510281202202-couq-naot-naot-meik-oav-gnov-yk/nv.ertiout