Từ sáng sớm 19-2, nhiều người dân quận Phú Nhuận đã mang rác cồng kềnh đến các phường nhờ hỗ trợ xử lý - Ảnh: LÊ PHAN
Ngày hội này quận Phú Nhuận tổ chức nhận rác cồng kềnh tại 13 điểm thuộc 13 phường. Đặc biệt, tại địa điểm phường 10 còn tổ chức triển khai thêm ứng dụng Veca thu mua ve chai cho người dân, tức chỉ cần đem chất thải đến có thể đổi quà hoặc nhận tiền mặt.
Bà Trần Thị Huê - chủ tịch UBND phường 10 - chia sẻ đây là lần thứ 3 phường tổ chức thu gom rác cồng kềnh cho người dân, đặc biệt trong lần trước Tết Nguyên đán đã có rất nhiều người mang rác đến phường để nhờ hỗ trợ xử lý.
"Chúng tôi chọn điểm phường để tiếp nhận vì để người dân dễ nhận diện, nếu chọn các bãi đất trống thì họ sẽ hiểu lầm đây là các điểm tập kết và không mang đến. Phường có nhóm Zalo với các tổ dân phố, các tổ dân phố lại có các nhóm nhỏ để thông tin tới người dân trước các đợt tiếp nhận.
Trước đây phường cũng hay tổ chức đổi ve chai, rác nguy hại… lấy các chậu cây nhỏ để trang trí nhà cửa và được người dân rất ủng hộ. Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện thêm các đợt như vầy để người dân có điểm đem rác đến, tránh bỏ rác ra đường gây mất mỹ quan", bà Huê nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - ngụ đường Trương Quốc Dung - cho biết nhà có vài món đồ bỏ nên bà đem lên phường. Bà không đổi quà, cũng không nhận tiền, bà nhận định những ngày hội như vậy rất thiết thực với người dân.
"Nói thiệt nhiều khi có cái bàn, cái tủ hay cái bồn rửa mặt bể không biết bỏ đâu, để trước nhà thì nằm đó ngày này qua ngày khác. Muốn nhờ bên thu gom rác đưa đi cũng phải cho tiền họ mới lấy. Phường tổ chức vầy quá thuận tiện cho người dân", bà Thúy bộc bạch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Bảo Toàn - trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường quận Phú Nhuận - cho biết qua các đợt thực hiện, người dân rất ủng hộ. Ngoài ra còn hạn chế được tình trạng bàn ghế, tủ nệm, tivi… bị vứt dọc các tuyến đường vắng.
"Trước đây quận cứ nghe báo là điều xe đi thu, lắt nhắt rất mất công sức, thời gian. Từ hồi tổ chức mô hình này, rác cồng kềnh được tập trung về các điểm, việc thu gom xử lý thuận tiện hơn", ông Toàn nói.
13 địa điểm gom rác ở quận Phú Nhuận
Số 18 Đoàn Thị Điểm (phường 1), số 1 Hoa Phượng (phường 2), số 3 Thích Quảng Đức (phường 3), gần cổng chợ Nguyễn Đình Chiểu (phường 4), số 94 Phan Đăng Lưu (phường 5).
Chung cư A2 - A3 (phường 7), hẻm 194 Nguyễn Trọng Tuyển (phường 8), số 331 Đỗ Tấn Phong và sau lưng số 14 Đào Duy Anh (phường 9), số 68 Trương Quốc Dung (phường 10), 238 Nguyễn Đình Chính (phường 11), bên hông Trường Phạm Ngọc Thạch (phường 13), 72/2 Huỳnh Văn Bánh (phường 13) và 130 Cao Thắng (phường 17).
Sáng 19-2, đồng loạt 13 phường thuộc quận Phú Nhuận tổ chức thu gom rác cồng kềnh cho người dân - Ảnh: LÊ PHAN
Có những đồ đạc người này bỏ đi nhưng hữu dụng với người khác, ai cần phường sẽ cho lại - Ảnh: LÊ PHAN
Mỗi tháng quận Phú Nhuận sẽ tổ chức thu gom rác thải cồng kềnh một lần - Ảnh: LÊ PHAN
Người dân mang phế liệu, ve chai đến đổi quà - Ảnh: LÊ PHAN
Nhiều loại rác thải như nệm mút, tủ gỗ, bàn ghế trước đây người dân không biết bỏ đâu, nay sẽ được hỗ trợ thu gom - Ảnh: LÊ PHAN
Tới 9h sáng, rác cồng kềnh đã chất kín trước cổng UBND phường 10, quận Phú Nhuận - Ảnh: LÊ PHAN
Lướt điện thoại đặt người mua ve chai tới nhà
Ông Bùi Thế Bảo - người sáng lập ứng dụng Veca (ứng dụng kết nối người dân và người thu mua ve chai) - cho biết tương tự như các ứng dụng gọi xe, khi cần bán phế liệu, ve chai thì người dân sẽ đặt lịch và sẽ có người tới thu.
Chỉ cần nhập địa chỉ, khung thời gian là đã hoàn thành việc đặt. Còn giá cả đã quy định sẵn, rõ ràng, minh bạch, đặc biệt ứng dụng không thu phí cả người bán và người mua.
"Tôi vào TP.HCM và đi thu mua ve chai đã chục năm rồi, trước đây tôi chạy ngoài đường, vừa chạy vừa rao ai có thì kêu vào mua hoặc quen ai thì họ kêu tới. Rồi tôi được kết nối cho vào nhóm Veca, từ đó có thể chủ động hơn, khi có người bán tôi chỉ cần vào điện thoại xác nhận là đi thu mua", chị Nguyễn Thị Liên (nghề thu mua ve chai) chia sẻ.
TTO - Đó là lời kêu gọi của quận Phú Nhuận, TP.HCM đối với người dân tại 13 phường của quận để giảm thiểu việc những loại rác cồng kềnh như bàn ghế, tủ, sofa, lavabo... hỏng bị người dân lén bỏ ra các khu đất trống.