Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công vừa có công văn gửi Bộ GTVT về việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ điều tra vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Bốn bị can tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị bắt tạm giam. Ảnh: CACC
Trong văn bản, Cơ quan điều tra đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay "giải cứu" (có trả phí) và chuyến bay "combo" (không trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào? Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ Giao thông Vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay combo, giải cứu như thế nào?
Cùng đó là các tài liệu về quy trình, thủ tục tiếp nhận đề xuất, xử lý việc xét duyệt cho các hãng hàng không, công ty/doanh nghiệp thực hiện chuyến bay "giải cứu", "combo" tại Bộ GTVT; căn cứ, tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay; điều kiện, tiêu chuẩn công ty/doanh nghiệp được tham gia chuyến bay "giải cứu", "combo"; điều kiện, tiêu chuẩn của công dân được về nước theo các chuyến bay "giải cứu", "com bo", được quy định tại văn bản nào?
Cơ quan điều tra cũng đề nghị cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh) và các doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép triển khai các chuyến bay giải cứu, combo. Danh sách công dân từ nước ngoài về trên các chuyến bay giải cứu và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay, điều kiện để công dân về nước trên các chuyến bay này dựa vào quy định nào cũng được yêu cầu làm rõ.
Ngoài ra, Bộ GTVT còn được đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ GTVT làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay “combo”, “giải cứu”.
Trước đó, ngày 28-1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hương Lan (48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao) cùng ba người tại Bộ này là Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao). Cả bốn bị can đều bị điều tra tội Nhận hối lộ.
Thông tin ban đầu, các bị can trên bị cáo buộc có hành vi trục lợi cá nhân khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Tuy nhiên, sai phạm cụ thể của những người này hiện chưa được Bộ Công an công bố.
Liên quan đến vụ án, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết từ chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc về nước vào đầu tháng 2-2020, đến nay, các cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra, phối hợp với các hãng hàng không triển khai hơn 1.000 chuyến bay, đưa khoảng 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao đối với vụ việc này là sai phạm đến đâu, xử lý đến đó theo đúng quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc và cũng đã quyết định đình chỉ công tác đối với các cán bộ liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị trong nước cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương rà soát, cập nhật quy trình xử lý công việc đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; thực hiện nghiêm túc, thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, lãnh sự, bảo hộ công dân.
Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; loại bỏ mọi hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, giữ gìn bản sắc và truyền thống tốt đẹp của ngành ngoại giao, phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao.