Nhiều lao động trẻ hiện nay không ngại thay đổi công việc để tìm kiếm công việc mới - Ảnh: MẠNH DŨNG
3 tháng qua, từ khi TP.HCM sang thời kỳ "bình thường mới", Nguyễn Thanh Diệu luôn căng đầu. Cô đã ấp ủ nhảy việc từ đầu năm 2021 nhưng bùng dịch nên kế hoạch thay đổi cuộc đời phải dừng lại. Đầu năm 2022, cô lại bắt đầu tìm việc mới.
Ở chỗ làm cũ, tôi đã đụng trần rồi, không còn thấy học hỏi được gì nữa, nên đi tìm cơ hội và thử thách mới.
QUỲNH NHƯ
Đi tìm việc mới
Thật ra, từ đầu năm 2021, hồ sơ xin việc mới của Diệu ở một công ty tài chính lớn của TP.HCM gần như đã được duyệt. Cô chỉ còn phải bổ sung một vài giấy tờ cuối cùng để đi làm chỗ mới với mức lương hứa hẹn hơn 2.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, khi TP bùng đợt dịch thứ 4 nghiêm trọng, mọi hoạt động kinh tế gần như bị đình trệ, công ty tài chính mà Diệu xin vào làm cũng không thể ngoại lệ. Và hồ sơ xin việc của cô bị treo lại ở chữ ký cuối cùng với lời hẹn "liên lạc lại".
Khi TP chuyển sang thời kỳ "bình thường mới", từ tháng 10-2021 đến giờ Diệu đã 2 lần gọi đến phòng nhân sự của công ty tài chính đó. Nhưng họ vẫn hẹn "tạm đợi để cấu trúc lại nhân sự", Diệu hiểu mình phải nhanh chóng tính đường mới.
Diệu năm nay 34 tuổi, có bằng chuyên môn tài chính - kế toán ở Úc. Trước khi du học, cô học đại học ngân hàng và từng đi làm cho hai ngân hàng khác nhau để dành dụm tiền du học.
Khi về nước, cô xin việc thành công ở một công ty địa ốc lớn với chức danh phù hợp chuyên môn là phó giám đốc phụ trách tài chính với lương khởi điểm 35 triệu đồng, có xe đưa đón đi làm mỗi ngày, cộng thêm các hứa hẹn thưởng hậu hĩnh khi kết sổ kinh doanh cuối năm, đặc biệt là tăng lương không dưới 8% mỗi năm.
Tuy nhiên, chỉ làm được thời gian ngắn, Diệu đã bị "dội" ngay vì hoạt động kế toán công ty này "quá phức tạp". Cô không muốn bị rắc rối luật pháp, đặc biệt là khi cô hiểu rõ dù mình là phó giám đốc nhưng cũng chỉ làm công ăn lương. Lợi nhuận đều vào túi chủ công ty, Diệu lại phải ký những giấy tờ "quá phức tạp". Cô phải sớm rút trước khi quá muộn...
Năm 2021, xin về công ty tài chính hàng đầu ở TP.HCM bị trắc trở, Diệu đang nộp hồ sơ qua một tập đoàn phân phối sản phẩm gia dụng đã có chuỗi cửa hàng nổi tiếng ở TP.HCM và Hà Nội. Cô biết đang có hàng trăm hồ sơ ứng tuyển cùng vị trí, nhưng cô vẫn tự tin mình sẽ thành công với bằng cấp chuyên môn, tiếng Anh lưu loát, đặc biệt là kinh nghiệm làm việc.
"Họ đã hẹn phỏng vấn trực tiếp để yes or no. Tôi tin mình sẽ vượt qua mấy trăm ứng tuyển kia. Nhưng nếu không thành cũng không sao, tôi sẽ lại tìm cơ hội mới. Mình có chuyên môn, kinh nghiệm, lại khát khao làm việc nên không sợ thất nghiệp đâu", cô gái quê Đông Anh, Hà Nội này "tiết lộ" thêm nếu được nhận ở vị trí cô xin, lương sẽ kha khá ở mức "sáu, bảy chục triệu gì đó và còn được hứa hẹn tặng cổ phiếu".
Nhưng còn một lý do nữa là cô muốn được làm việc ở tập đoàn lớn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, đãi ngộ xứng đáng cho người giỏi dù cô cũng biết mình sẽ phải chịu nhiều áp lực nặng nề hơn...
Diệu kể cô có nhóm gần chục bạn du học Úc, Mỹ, Anh về nước, thì hai phần ba đã nhảy mấy việc và vẫn đang tiếp tục tìm việc mới tốt hơn. "Hầu hết tụi nó cũng đang nhận lương 40 - 60 triệu đồng mỗi tháng nhưng vẫn chưa muốn dừng lại. Một phần là tiền bạc, nhưng lý do lớn hơn là muốn thử thách chính mình, muốn chinh phục đỉnh cao hơn", Diệu kể.
Trong các bạn thân của cô, có Quỳnh Như đang làm trưởng bộ phận tiếp thị cho một công ty hóa mỹ phẩm lớn, với tổng thu nhập gần 100 triệu đồng/tháng. Nhưng cô vừa nộp đơn cho một công ty mới, dù biết lương nơi này chưa chắc đã cao hơn, vì lý do "ở đây tôi đã đụng trần rồi, không còn thấy học hỏi được gì nữa, nên đi tìm cơ hội và thử thách mới".
Cha mẹ, bạn bè Như đều khuyên cô hết sức cân nhắc khi bỏ vị trí trưởng phòng và mức lương bao người mơ ước không được, nhưng cô vẫn quyết định bay nhảy, do "tôi còn trẻ, không thử thách mình lúc này thì còn lúc nào nữa".
Anh Lương Minh Phương tìm công việc mới - Ảnh: DIỆU QUÍ
Kinh tế phục hồi nên dễ nhảy việc
Giống như Diệu, Tâm, không ít lao động hiện nay, kể cả lao động phổ thông lẫn người có chuyên môn cao, đang nhảy việc hoặc ấp ủ ý định có ngày đi tìm cơ hội mới. Rất nhiều lý do được họ đưa ra như còn trẻ chưa có gia đình nên muốn "bay nhảy", nơi đang làm không đãi ngộ xứng đáng, sếp không tốt, tương lai công ty mình đang làm việc quá mờ mịt...
Đặc biệt có những người không ngại nói thẳng "chỗ đang làm cũng tốt, nhưng muốn tìm chỗ tốt hơn nữa cho tương lai". Dịch giã dần được khống chế cả trong nước lẫn thế giới, kinh tế phục hồi, nhu cầu nhân dụng cao lại càng tạo thêm điều kiện cho những người muốn tìm kiếm hướng đi mới.
Khăn gói từ quê Đồng Tháp lên TP.HCM từ mùng 6 tháng giêng, Nguyễn Thảo Lam (26 tuổi, quận 6) hầu như mỗi ngày đều dán mắt vào màn hình điện thoại, đợi cuộc gọi phỏng vấn. Đại dịch quét qua TP.HCM nhiều tháng liền khiến Lam phải rời khỏi nơi đã gắn bó hơn 2 năm qua.
Cô vốn là nhân viên của một công ty du lịch, bị giảm lương và cắt thưởng trong nhiều tháng dịch giã bùng phát mạnh. Việc ít, cộng với làm trực tuyến ít giao lưu đồng nghiệp và stress vì các khoản phí, Lam đã gửi đơn thôi việc vào đầu tháng 10-2021.
"Cũng tiếc lắm vì đó là việc tôi yêu thích, nhưng tôi không thể đợi công ty ổn định lại như trước kia vì còn phải lo tiền trọ, cơm nước và gửi về nhà phụ mẹ nuôi đứa em nhỏ", Lam nói. Hiện cô vừa nộp hồ sơ vào hai công ty có các đãi ngộ tốt và mong mỏi sớm được đi làm theo đúng công việc đam mê và chuyên môn của mình.
Cũng nằm trong số những người nhảy việc sau Tết, anh Lương Minh Phương (27 tuổi) đã "rải" đơn đến 5 công ty từ tháng 11-2021, trong đó 2 nơi từ chối, 3 nơi phỏng vấn online nhưng chưa có kết quả. "Xin việc cuối năm rất cực vì các nơi đều ít tuyển người mới, đó cũng là thời điểm nhiều người còn làm việc chờ nhận lương và thưởng Tết", anh Phương cho biết.
Chọn rời xa công việc kiểm toán sau hơn 3 năm gắn bó, chàng trai quê Đà Nẵng cho hay lúc Sài Gòn bùng dịch phải làm việc tại nhà, dù lương và các đãi ngộ không bị giảm nhiều, song anh nhận ra con đường này không còn phù hợp nữa. Muốn phát triển theo hướng khác nên khi đó anh vừa "work form home", vừa tham gia các khóa học online về lĩnh vực sắp theo đuổi và học thêm tiếng Trung.
Giữa tháng 2, sau hơn 3 tháng thất nghiệp và về quê, anh Phương từ Đà Nẵng vào TP.HCM để phỏng vấn trực tuyến ở một công ty và thi lấy chứng chỉ hành nghề. Cũng may trước đó có khoản tích lũy nên mấy tháng nay thất nghiệp không quá chật vật nhưng vẫn khá áp lực mỗi lần chưa đậu phỏng vấn", anh chia sẻ.
Mất "kết nối" với công ty và nhận ra môi trường không còn phù hợp cũng là nguyên nhân khiến anh Huỳnh Khải Minh (ngụ quận Bình Thạnh) "chia tay" với công ty sau Tết.
"Thường thì có 2 nguyên nhân dẫn đến nhân viên nghỉ việc, đó là có một mức lương cạnh tranh hơn từ công ty bên ngoài hoặc môi trường bên trong không còn phù hợp và cảm thấy không còn sự lựa chọn ở lại. Cá nhân mình đi bởi nguyên nhân thứ hai, một số đồng nghiệp của tôi thì đi vì lý do thứ nhất", anh Minh nói.
Gần 3 năm gắn bó với công việc đào tạo nhân viên sale, ý định thôi việc của anh đến từ những ngày cuối năm, khi có sự biến động trong bộ phận nhân sự. "Tôi định làm thêm vài tháng nữa, nhưng sau Tết thấy mình không thể tiếp tục được nữa nên chọn rời đi ", anh cho hay.
Hiện Minh đã nộp hồ sơ tại 3 công ty và đợi gọi phỏng vấn. Có kinh nghiệm 7 năm đào tạo và 3 năm quản lý, anh cho biết sẽ không chấp nhận nếu chỗ mới buộc anh phải đi từ cấp dưới lên.
TTO - Mùa tuyển dụng sau tết năm 2021 được cho là sẽ yên ắng hơn, khi người trẻ ngại nhảy việc vì muốn nhận được đầy đủ khoản thưởng, đồng thời lo rằng nếu đại dịch tiếp tục bùng phát sau tết, nguy cơ thất nghiệp sẽ cao.
Xem thêm: mth.79742129091202202-hnim-hnihc-hcaht-uht-noum-ol-ion-av-gnov-ih-ceiv-yahn/nv.ertiout