Một trong những thành tựu lớn nhất của chúng tôi là từ bỏ công việc văn phòng của mình để tìm kiếm nguồn thu nhập thụ động. Giờ đây, chúng tôi tập trung vào những thứ quan trọng hơn, chẳng hạn như dành thời gian cho con cái, đi du lịch và cống hiến, giúp đỡ mọi người xung quanh.
Trước khi gặp nhau, Craig và tôi đều có những công việc riêng. Nhưng vào năm 2006, chúng tôi bắt đầu kinh doanh cùng nhau và thành lập công ty Tandem Consulting.
Ngày nay, Tandem đã tạo ra 3 triệu USD doanh thu hàng năm.
Chúng tôi muốn nói với mọi người rằng thành công tài chính của chúng tôi bắt đầu từ những công việc phụ giúp tăng thêm thu nhập. Số tiền mà chúng tôi kiếm được từ Tandem, kết hợp với tiền tiết kiệm và thu nhập từ những công việc phụ trước đó cho phép chúng tôi phân nhánh và làm việc với một số dự án khác, bao gồm một công ty đầu tư bất động sản và một tổ chức phi lợi nhuận, Tandem Giving Inc.
Chúng tôi hiện có tổng cộng 8 dòng thu nhập tạo ra nguồn thu 7 con số một năm. Hai trong số đó là dòng thu nhập thụ động thông qua các bất động sản cho thuê ở Wisconsin. Gần đây nhất, chúng tôi đã đồng sáng tác một cuốn sách có tên "So You Want to Start a Side Hustle".
Rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, thường hỏi chúng tôi về những điều cần biết trước khi chuyển hướng sang việc kinh doanh toàn thời gian. Và dưới đây là năm sai lầm mà chúng tôi đã mắc phải:
1. Quản lý thời gian và công việc không hiệu quả
Giai đoạn đầu, chúng tôi đã không lường trước và chuẩn bị kỹ cho những gì có thể sẽ xảy ra sau đó, khi chúng tôi thực sự có quá nhiều công việc toàn thời gian và các hợp đồng đang tăng lên một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, vì cảm thấy đây như một thử thách giúp phát triển bản thân nên chúng tôi đã liên tục cố gắng, đấu tranh để quản lý thời gian của mình một cách hiệu quả. Nhưng cuối cùng, chúng tôi nhận ra rằng trong việc thúc đẩy năng suất, việc tự động hóa một số nhiệm vụ và thuê thêm nhân viên để có thể nhân đôi nỗ lực mới thật sự là điều hữu ích.
Trước khi đưa ra quyết định xem bạn, người khác hay bất kỳ ai có cần thực hiện một nhiệm vụ nào đó hay không, hãy tự hỏi bản thân:
● Nhiệm vụ này có quan trọng đối với bạn, công việc của bạn hay thể hiện giá trị của bạn hay không? Nếu không, bạn có thể không làm điều đó.
● Nếu nhiệm vụ này cần được thực hiện, bạn có thể ủy thác nó không?
● Nếu không, làm thế nào và khi nào bạn có thể hoàn thành công việc này một cách hiệu quả nhất? Và đâu là thời hạn cuối cùng?
● Nếu bạn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, thì trong tương lai, bạn có thể tự động hóa hoặc ủy quyền nó cho ai không?
2. Nhầm lẫn giữa doanh thu và lợi nhuận
Chúng tôi biết một số người đã cố gắng bắt đầu kinh doanh trực tuyến. Họ cho rằng mình cần: tìm 20 khách hàng, tính phí mỗi khách hàng 4.000 USD mỗi năm và họ sẽ kiếm được 80.000 USD lợi nhuận.
Bạn nghĩ điều đó đúng ư? Không phải.
Bạn cần phải nghĩ cách để tìm thấy những khách hàng đó. Bạn sẽ có một trang web? Nếu vậy thì chi phí là bao nhiêu và bạn sẽ vận hành nó như thế nào? Bạn sẽ phải tính đến chi phí tiếp thị, xây dựng thương hiệu và rất nhiều các chi phí khác? Ai sẽ xử lý các hợp đồng kế toán, sổ sách và pháp lý của bạn? Điều gì sẽ xảy ra nếu khách hàng không trả tiền cho bạn?...
Với mọi công việc kinh doanh mà chúng tôi đã từng làm, chúng tôi phải lập kế hoạch cho tất cả những điều đó. Doanh số mà bạn kiếm được không phải là lợi nhuận của bạn (và 80.000 USD không phải là số tiền bạn có thể mang về nhà).
3. Tái đầu tư doanh thu để tạo thêm doanh số bán hàng
Một khi đã tạo ra "đủ" doanh thu, bạn không nhất thiết phải tái đầu tư tất cả lợi nhuận của mình để tạo ra nhiều tiền hơn.
Giả sử bạn bắt đầu với một công việc phụ trong ngành kiến trúc cảnh quan. Và bạn phát triển nó thành một doanh nghiệp tạo ra 600.000 USD doanh thu mỗi năm, với 130.000 USD lợi nhuận ròng - nếu bạn không nhận lương.
Sau đó, bạn có thể mất khoảng một đến hai năm để hoàn thiện hệ thống kinh doanh của mình, đảm bảo cơ sở khách hàng, tinh gọn bằng cách thanh toán mọi khoản nợ, đồng thời chuyển giao các kỹ năng và quyền quản lý của bạn cho một vài nhân viên nòng cốt. Tiếp theo, bạn có thể thúc đẩy việc điều hành doanh nghiệp của mình với mức lương 60.000 USD mỗi năm và giữ 70.000 USD/ năm cho bản thân và chỉ làm những công việc đặc biệt quan trọng.
Nếu bạn có ngân sách cá nhân khiêm tốn và khả năng quản lý tài chính tốt, bạn hoàn toàn có thể sống với mức dưới 70.000 USD mỗi năm. Theo thời gian, bạn có thể tích lũy được một số tiền tiết kiệm để tiếp tục đầu tư vào những công việc kinh doanh khác.
Ngoài ra, tại một số thời điểm, bạn có thể lựa chọn rút vốn và chuyển nhượng lại doanh nghiệp của mình.
4. Định giá ban đầu quá cao và khi đã xây dựng được thương hiệu của riêng mình lại không tăng giá
Một khi doanh nghiệp của bạn đã thành công, thì khách hàng sẽ sẵn sàng trả tiền cho những giá trị mà họ cảm nhận được. Và thông thường, nếu thứ gì đó có chi phí thấp thì mọi người cũng sẽ đánh giá nó thấp.
Đừng ngại xem lại cấu trúc định giá của bạn thường xuyên. Với tình trạng lạm phát cơ bản và một nền kinh tế luôn thay đổi và năng động, bạn cũng nên linh hoạt trong việc định giá.
5. Trở lại với tư duy của nhân viên
Chúng tôi đã từng thiếu sót trong việc áp dụng tâm lý sở hữu, khó tính của mình vào việc vận hành công ty. Vì như hầu hết tất cả mọi người, chúng tôi đều bắt đầu với tư cách là một nhân viên, nên việc suy nghĩ, hành động như họ là một điều khá bình thường.
Một số thay đổi lớn mà bạn cần phải thích nghi:
● Khả năng đoán trước, sự ổn định với sự thay đổi: Khi là một nhân viên bình thường, bạn làm việc trong 2 tuần và được trả lương đầy đủ. Bạn có lương, phúc lợi và thường là một lịch trình đã định trước. Nhưng khi là một doanh nhân, bạn vẫn phải làm việc hết mình ngay cả khi có một lịch trình không thể đoán trước trong nhiều năm và có thể sẽ bị trả một mức lương thấp.
● Phải trở thành người thông minh nhất với việc tìm kiếm những người thông minh hơn: Nhân viên thường khao khát trở thành người thông minh nhất hoặc xem những người thông minh hơn là đối thủ cạnh tranh của họ. Nhưng khi bạn bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, thì việc xung quanh là những người thông minh hơn sẽ trở thành một tài sản vô giá.
Không phải tất cả những công việc phụ đều sẽ mang lại cho bạn sự thành công, nhưng lời khuyên mà chúng tôi đưa ra là hãy nắm lấy sức mạnh của thất bại và tiến về phía trước. Khi bạn có thể hiểu sai lầm là điều không thể tránh khỏi và bạn vẫn sẵn sàng đi trên con đường đó, bạn sẽ mạnh mẽ hơn, thông minh hơn và giỏi hơn trong mọi việc bạn làm.
http://tintuc.vdong.vn/02/1236435.htmMai Phương
Theo CNBC