Ông Trương Văn Long (ngụ xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) kèm hai cháu nội học bài - Ảnh: CHÂU TUẤN
Song bên trong những lo lắng đó, họ không giấu được ý chí vùng ra khỏi "tấm lưới" gian khổ đã quấn lấy họ bấy lâu nay, và ước mong ngày mai tươi sáng hơn với cuộc đời những đứa trẻ trong nhà.
Chúng tôi tìm đến những xã vùng sâu thuộc huyện Châu Thành - nơi giáp ranh biên giới Campuchia. Tại đây, chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, cùng chung nỗi mong mỏi con em mình có thể học hành đến nơi đến chốn và quay lại giúp đỡ quê nhà.
Không dám đi khám vì... sợ mắc bệnh nặng
Hướng từ trung tâm huyện Châu Thành đi cửa khẩu Phước Tân, chúng tôi đến căn nhà nhỏ của anh Lâm Văn Được nép trong một con hẻm nhỏ ở xã Thành Long. Căn nhà cấp 4 trơ tường gạch, không tô trát ximăng là nơi trú ngụ của 5 thành viên trong gia đình anh Được nhiều năm nay.
Nhiều năm trước, khi sức khỏe còn tốt, ông bố 3 con là trụ cột chính với nghề "thợ đụng", tức ai kêu gì làm nấy. Khoảng 5 năm trở lại đây, cứ vài hôm, anh Được bị những cơn đau đầu kéo dài hành hạ, nhức mỏi khắp người nên phải hạn chế các việc nặng.
"Tôi không dám đi khám bệnh, vì sợ khám phát hiện ra bệnh nặng, mình không có tiền chữa", anh nói. Do đó, mọi chi phí sinh hoạt chính trong nhà dồn lên đôi vai gầy gò của người vợ 36 tuổi bằng tiền lời từ những tờ vé số.
Mỗi ngày, nếu bán được hết 100 tờ, chị Diệu - vợ anh Được - kiếm được 100.000 đồng, mỗi tháng 3 triệu đồng song không phải lúc nào cũng được "trời thương", nên cả năm cứ quanh quẩn "đắp đầu này, thiếu đầu nọ".
Vợ đi làm, anh Được ở nhà lo cơm nước, trông thằng út, kèm hai đứa lớn học online qua một iPad cũ được cho. "Mình biết tới đâu thì chỉ con học tới đó", người cha nói và cho biết hôm nào trùng giờ học, thằng anh lớn hay nhường cho đứa em gái kế học để em không mất bài vở.
Gia đình anh Lâm Văn Được trước căn nhà cấp 4 trơ tường gạch - Ảnh: CHÂU TUẤN
Ráng sức lo cho cháu ăn học
Cách đó khoảng 16km, hai đứa cháu ông Trương Văn Long ở xã Ninh Điền cũng từng nhường qua nhường lại cái điện thoại mỗi lần đụng giờ học, cho đến khi ông mượn được thêm một điện thoại cũ từ người thân. Ông Long lớn tuổi, không rành công nghệ và cũng không thể chỉ bài nên hai cháu của ông phải "tự bơi".
Lúc chúng tôi đến, ông Long vừa kết thúc buổi kèm đứa cháu nội lớp 5 học online, và ngó chừng đứa lớp 3 đang bày đồ chơi trước nhà. Vợ chồng người đàn ông tuổi lục tuần vừa là ông bà nội, vừa đóng vai cha mẹ của hai đứa trẻ mồ côi cha, còn mẹ bận đi làm xa.
Ngồi bên hông nhà - khoảng trống giữa nhà chính với gian bếp cũ kỹ, ông Long nghẹn ngào nhớ về cậu con trai quá cố: "Cách đây 7 năm, con trai tôi qua đời vì mắc bệnh lao màng não. Ngày nó mất, hai đứa con nó một đứa được gần 2 tuổi tuổi, một đứa vừa tròn 8 tháng. Cháu tôi còn nhỏ quá mà đã chịu cảnh mồ côi cha!", ông xúc động.
Ông Long tâm sự: "Có lúc tui nói đùa là ông nội hết tiền rồi, hai đứa nghỉ học nha. Tụi nó không chịu liền, ham học lắm. Thằng nhỏ năm rồi được danh hiệu học sinh xuất sắc đó".
Ngoài giờ học, hai đứa trẻ còn phụ ông bà nội vài việc lặt vặt trong nhà, chúng đặc biệt rất thích cho lũ gà mà ông nội đang nuôi ở bãi đất nhỏ phía sau nhà ăn. Cậu bé 8 tuổi Trịnh Trương Hoài Nam - cháu ông Long - hồn nhiên cho biết sau này lớn lên em sẽ làm cảnh sát để bảo vệ mẹ và ông bà nội.
Trong khi đó, không nói đùa với cháu như ông Long, anh Được thiệt bụng cho biết: "Tôi thấy thương các con, không muốn chúng phải thiệt thòi, hai vợ chồng cứ cố gắng được đến đâu hay đến đó. Đời mình đã không được học hành đầy đủ, giờ đến đời con, mình chỉ mong cho nó đủ chữ nghĩa để sau này có công ăn việc làm ổn định, không chịu khổ như mình nữa". Anh vừa nói, ánh mắt đầy hy vọng cũng đang hướng về 3 đứa nhỏ.
Nghe tin được hỗ trợ vay vốn làm ăn, vợ chồng anh không giấu được niềm vui. "Tôi dự định sẽ nuôi thêm cặp heo, lấy đó làm vốn để có tiền đóng học phí, mua sách vở, quần áo đi học cho mấy đứa con. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, mong cuộc sống gia đình sẽ ổn định hơn với kế hoạch mới này", anh phấn khởi nói.
Tương tự, ông Long cũng có khao khát cải thiện đời sống gia đình. "Được Nhà nước cho vay vốn tôi sẽ có tiền nuôi thêm ít gà, có tiền trang trải trong nhà, lo cho hai đứa cháu ăn học đầy đủ. Vợ chồng tui chịu khổ cũng được, nhưng không muốn các cháu mình đã mồ côi cha lại phải sống trong cảnh thiếu thốn, học hành không tới nơi đến chốn. Được hỗ trợ tui mừng lắm, mang ơn mọi người vô cùng", lão nông 60 tuổi nhìn về hai đứa cháu đang đọc chữ trước nhà, lòng ngập tràn hạnh phúc.
Lễ trao vốn chương trình "Tiếp sức nhà nông"
Sáng 19-2, tại tỉnh Tây Ninh, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam (gọi tắt là GREENFEED) đã phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn Tây Ninh tổ chức lễ trao vốn chương trình "Tiếp sức nhà nông" cho 40 hộ nông dân tại tỉnh này.
Các hộ nông dân được hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong thời gian 2 năm với tổng kinh phí 920 triệu đồng (bao gồm 800 triệu đồng tiền mặt, phiếu thức ăn chăn nuôi trị giá 120 triệu đồng) cho 40 hộ nông dân của xã Thành Long và xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Những hộ nông dân được hỗ trợ lần này đều có hoàn cảnh khó khăn, có con em vượt khó học giỏi.
Tại chương trình lần này, các hộ nông dân còn được tập huấn, tìm hiểu về những kiến thức chăn nuôi trước khi nhận vốn. Đồng thời, 40 em học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi là con của các hộ nông dân tham gia chương trình, được tuyên dương và trao phần thưởng với tổng giá trị hơn 40 triệu đồng.
Sau mỗi năm học, Công ty GREENFEED còn dành những phần thưởng cho con em nông dân có thành tích học tập tốt, chuyển cấp (đạt danh hiệu học sinh, sinh viên khá thưởng 500.000 đồng; đạt danh hiệu giỏi, xuất sắc thưởng 1 triệu đồng; lớp 9 lên lớp 10 thưởng 2 triệu đồng…).
Trò chuyện cùng với một hộ nông dân tiêu biểu tại chương trình “Tiếp sức nhà nông”, sáng 19-2 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Em Trương Thanh Phong (học sinh lớp 3, xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh) cùng ba đến tham gia buổi lễ trao vốn 'Tiếp sức nhà nông' - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ông Võ Đức Trong - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh (bìa trái) - trao bảng tượng trưng cho các nhà nông tại buổi lễ trao vốn 'Tiếp sức nhà nông' - Ảnh: NHẬT THỊNH
Đại diện báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Tây Ninh trao quà và học bổng cho các em học sinh nghèo tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh - Ảnh: NHẬT THỊNH
40 hộ nông dân tỉnh Tây Ninh lần lượt lên nhận vốn hỗ trợ tại chương trình - Ảnh: NHẬT THỊNH
Cô Phan Thị Ly (59 tuổi, sống tại xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh) tham gia chương trình 'Tiếp sức nhà nông' - Ảnh: NHẬT THỊNH
TTO - "Người nghèo thuê người nghèo làm công, tiền đâu mà trả nhiều?" - anh Lê Văn Lý cười chua xót nói về công việc của những người nông dân ở Như Xuân (Thanh Hóa).